SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ chín đến hàm lượng polyphenol và khả năng kháng oxi hóa của các bộ phận quả chuối hột thu hái tại Nam Định

[08/10/2019 10:23]

Nghiên cứu do các tác giả gồm Lại Thị Ngọc Hà, Trần Thị Hoài và Hoàng Hải Hà thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện vào tháng 8 năm 2016.

Chuối hột có tên khoa học là Musa balbisiana Colla thuộc họ Musaceae. Giống chuối này có nguồn gốc khu vực gió mùa phía bắc Đông Nam Á và Nam Á từ Sri Lanka đến Philippines. Musa balbisiana Colla mọc hoang và được trồng tại Assam, Thái Lan và ở Việt Nam. Ở Việt Nam, chuối hột đã được sử dụng từ rất lâu với nhiều mục đích khác nhau như lá thường dùng để gói bánh trong khi thân, quả, hạt cho mục đích y học. Quả chuối xanh có tác dụng làm se và tẩy giun. Chuối hột xanh còn được dùng để điều trị đau bụng mãn tính, loét dạ dày, tiêu chảy và kiết lỵ. Quả xanh và hạt của quả chín có tác dụng rất tốt trong việc hòa tan sỏi trong đường tiết niệu (thận và bàng quang).

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Mặc dù quả chuối hột đã được sử dụng từ rất lâu trong y học cổ truyền nhưng thành phần hóa học của nó, đặc biệt là các hợp chất có hoạt tính sinh học, chưa được phân tích đầy đủ. Do đó, nhiều tính chất dược liệu của chuối hột vẫn chưa được hiểu rõ. Cho đến nay, chỉ một số hợp chất có hoạt tính sinh học được xác định trong quả chuối xanh như terpenoid, sitosterol và stigmasterol, cyclomusalenon, hợp chất polyphenol nhưng chúng không giải thích được tất cả cá ứng dụng của chuối hột trong y học cổ truyền Việt Nam. Các hợp chất polyphenol với các hoạt tính sinh học đã được chứng minh bao gồm khả năng kháng oxi hóa, chống lão hóa, bảo vệ tim mạch, chống ung thư, chống viêm và chống béo phì, do đó có thể đóng góp vào các tính chất dược lý của chuối hột.

Chuối hột được sử dụng trong y học dân gian theo nhiều cách khác nhau. Một số người sử dụng toàn bộ quả xanh trong khi những người khác chỉ sử dụng hạt của quả chín hoặc vỏ quả xanh. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy vỏ quả chuối có hàm lượng polyphenol cao hơn thịt quả.

Mục đích của nghiên cứu này là xác định hàm lượng polyphenol tổng số và khả năng kháng oxi hóa các phần vỏ, thịt, hạt của quả chuối hột ở 5 độ chín, thu hái tại Nam Định bằng phương pháp Folin-Ciocalteu và 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH).

Kết quả cho thấy, hàm lượng polyphenol và khả năng kháng oxi hóa của hạt cao nhất. Trong quá trình chín, hàm lượng polyphenol và khả năng kháng oxi hóa của cả ba bộ phận giảm dần. Hơn nữa, mối tương quan chặt giữa hàm lượng polyphenol tổng số và khả năng kháng oxi hóa (r = 0,98-0,99) cho thấy polyphenol đóng góp chính cho khả năng kháng oxi hóa của quả chuối hột. Tuy nhiên, khả năng kháng oxi hóa cao của thịt quả chuối so với hàm lượng polyphenol thấp gợi ý sự có mặt của các chất kháng oxi hóa khác không thuộc nhóm polyphenol trong thịt quả và sự khác nhau về thành phần polyphenol trong các bộ phận của quả chuối hột.

Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 10/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ