SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả tuyển chọn giống khoai tây từ nguồn giống nhập nội tại tỉnh Thái Nguyên năm 2015 - 2016

[13/10/2019 11:07]

Nghiên cứu được thực hiện trong vụ Đông năm 2015 và năm 2016 tại thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh: Internet

Ở Việt Nam khoai tây là một trong những cây thực phẩm quan trọng và đặc biệt là cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất khoai tây chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của nó, năng suất cây khoai tây ở Việt Nam còn rất thấp, năm 2013 trung bình đạt 71,8% năng suất trung bình của thế giới (FAOSTAT, 2015). Đồng bằng Bắc bộ có một mùa đông lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng 20 – 300C, phù hợp cho cây khoai tây sinh trưởng phát triển. Mặt khác, diện tích đất phù sa, đất cát pha, đất thịt nhẹ lớn, hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh là điều kiện thuận lợi cho phát triển và mở rộng sản xuất loại cây trồng này. Trong những năm gần đây diện tích khoai tây cả nước dao động trong khoảng 35.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng (Đào Huy Chiên, 2002). Có khả năng thích hợp với nhiều vùng sinh thái, cho năng suất cao, củ giàu dinh dưỡng nên khoai tây được trồng rất phổ biến. Sản phẩm thu hoạch dễ tiêu thụ và dễ thương mại hoá. Cây khoai tây nếu được đầu tư thâm canh sẽ có sản lượng cao và lượng hàng hóa lớn, có giá trị xuất khẩu làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.Thái Nguyên có điều kiện khí hậu đất đai rất phù hợp cho cây khoai tây sinh trưởng và phát triển bởi vậy khoai tây là một cây trồng và có vị trí quan trọng nhất định trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây diện tích trồng khoai tây của tỉnh đang giảm dần. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do chưa có nguồn giống tốt, củ giống bị thoái hóa, già sinh lý hoặc nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp. Những năm gần đây nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật Việt Nam đã nhập nội và lai tạo thành công một số giống khoai tây cho năng suất cao, chất lượng tốt có khả năng kháng bệnh tốt và thích nghi với điều kiện ngoại cảnh. Do vậy, hướng tuyển chọn và giới thiệu các giống khoai tây nhập nội tốt vào sản xuất là giải pháp có hiệu quả góp phần giải quyết khó khăn về giống khoai tây hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu tuyển chọn giống khoai tây nhập nội tại tỉnh Thái Nguyên năm 2015 - 2016 của nhóm tác giả Hoàng Thị Minh Thu, Dương Thị Thu Hương (Phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên - tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Thị NhungTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) và Trần Ngọc Ngoạn (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) được tiến hành.

Nghiên cứu được thực hiện trên tám giống khoai tây có nguồn gốc nhập nội (CIP, Hàn Quốc và Đức): KT1; K3; 12KT3-1; KT9, Georgina, Concordia, Jelly và Solara đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã tuyển chọn được 3 giống khoai tây KT1 đạt 31,82 tấn/ha, giống 12KT3-1 đạt 28,05 tấn/ha và giống Jelly đạt 28,01 tấn/ha. Các giống này đều có sức sinh trưởng, phát triển tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại nhẹ, tiềm năng năng suất cao, các chỉ tiêu chất lượng tốt, trong đó giống KT1 phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ăn tươi và chế biến trên thị trường, hai giống còn lại phù hợp với ăn tươi.  Qua đó, nhóm tác giả đề nghị cần tiếp tục khảo nghiệm, xây dựng mô hình cho các giống khoai tây triển vọng để có kết luận về giống phục vụ nhu cầu sản xuất tiêu thụ của thị trường.

TC Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ