SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh trong cây thù lù cạnh (Physalis angulata l.) Có khả năng kháng khuẩn ở khu vực thành phố cần thơ

[27/10/2019 20:42]

Các mẫu rễ, thân, lá và trái của cây Thù lù cạnh ở khu vực quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được dùng làm nguyên liệu để phân lập vi khuẩn. Hoạt tính kháng khuẩn được khảo sát bằng phương pháp khuếch tán qua giấy lọc.

Từ lâu thuốc kháng sinh được sử dụng rất rộng rãi để điều trị nhiều loại bệnh trên người và động vật. Tuy nhiên thuốc kháng sinh lại có nhiều tác dụng phụ và việc lạm dụng thuốc quá mức không theo chỉ dẫn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh Vì vậy, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về với thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ cây dược liệu ngày càng gia tăng so với việc sử dụng thuốc kháng sinh. Cây thù lù cạnh (Physalis angulata L.) là một trong số những cây dược liệu có chứa dược tính quý được công nhận là có khả năng trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, nhiệt, nôn và nấc. Ngoài ra, việc đắp ngoài da với thù lù cạnh còn giúp trị bệnh đái tháo đường. Theo kiến thức Đông y, thù lù cạnh có vị đắng, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khu đàm, quả có vị chua, tính bình có tác dụng thanh nhiệt và tiêu đàm.

Nhiều kết quả nghiên cứu công bố cho thấy các hợp chất chiết xuất từ cây thù lù cạnh có khả năng điều hòa miễn dịch hoạt tính chống ung thư gan và ung thư tử cung chống lại vi khuẩn gây bệnh bạch cầu lymphocytic P388 ở chuột. Ngoài ra, chiết xuất tinh dầu từ cây thù lù cạnh còn có tính kháng nấm và vi khuẩn.

Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây thù lù cạnh, nhưng các nghiên cứu trước đây chủ yếu chỉ tập trung nghiên cứu lâm sàng từ các hợp chất có hoạt tính sinh học trong cây, trong khi các nghiên cứu về vi khuẩn nội sinh có khả năng kháng khuẩn trong cây thù lù cạnh vẫn còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh trong cây thù lù cạnh có khả năng kháng khuẩn ở khu vực quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và đồng thời khảo sát khả năng kháng một số hoạt chất kháng sinh của một số dòng vi khuẩn tuyển chọn.

Cây thù lù cạnh sau khi thu được rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ đất bám ở rễ, tiếp theo tách rời từng bộ phận riêng biệt gồm trái, lá, thân và rễ và cắt thành đoạn ngắn 2-3 cm. Tiến hành khử trùng bề mặt mẫu bằng cồn 70% trong 30 giây, rửa lại bằng nước cất vô trùng 2 lần, tiếp theo cho H2O2 3% vào ngập mẫu trong khoảng thời gian 3 phút, sau đó rửa lại bằng nước cất vô trùng 4 lần và để ráo nước trên giấy thấm vô trùng. Sau đó dùng chày và cối giã nhuyễn từng bộ phận riêng biệt, cho 1-2 mL nước cất vô trùng vào, trộn đều và để yên 2 phút cho lắng cặn, hút phần dịch trên cho vào ống nghiệm 10 mL chứa môi trường PDA bán đặc, ủ ở nhiệt độ 30oC trong tủ ủ đến khi xuất hiện vòng pellicle cách mặt môi trường 1-5 mm, tiếp tục hút 100 µL pellicle này trải đều trên đĩa petri chứa môi trường PDA đặc, ủ ở nhiệt độ 30oC trong tủ ủ nhằm theo dõi sự phát triển của khuẩn lạc sau 24-48 giờ, tiến hành phân lập và tách ròng vi khuẩn và cuối cùng cấy trữ các dòng thuần vào trong môi trường glycerol 50% cho các nghiên cứu tiếp theo.

Kết quả phân lập vi khuẩn nội sinh từ các bộ phận khác nhau của cây thù lù cạnh đã thu được 62 vi khuẩn nội sinh. Trong đó, 14 dòng được phân lập từ trái, 16 dòng từ lá, 15 dòng từ thân và 17 dòng từ rễ cây thù lù cạnh. Các dòng vi khuẩn phân lập được ký hiệu như sau: DRx, DLx, DTx, DTRx với TR: trái, L: lá, T: thân, R: rễ, D: ký hiệu mã hóa riêng của nhóm phân lập vi khuẩn cây thù lù cạnh, x: thứ tự dòng vi khuẩn phân lập. Đa số các dòng vi khuẩn phân lập được có dạng hình tròn (hoặc không đều), màu trắng đục (trắng ngà, vàng nhạt hay nâu nhạt), độ nổi mô và lài, bìa nguyên (hoặc răng cưa), đường kính dao động từ 0,1-7 mm. Ngoài ra, đặc điểm tế bào của các dòng này chủ yếu là hình que, một số có dạng hình cầu hoặc chuỗi và phần lớn là gram âm và di động.  

 

 

 

Tạp chí Trường Đại học Cần Thơ, 2019
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài