SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam.

[06/11/2019 16:07]

Cơ khí chế tạo là ngành kinh tế - kỹ thuật có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa là nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau, bởi đây là ngành công nghiệp sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp công cụ cho các ngành kinh tế khác. Theo tác giả, để đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí chế tạo nước ta trong thời gian tới cần phải có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Mũi nhọn nhưng chưa mạnh:

Trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước, công nghiệp cơ khí được coi là khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước nội địa hoá linh kiện, phụ kiện để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây đang được coi là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong quá trình hội nhập. Xét cả về trung hạn và dài hạn, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí, bởi công nghiệp cơ khí liên quan tới hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng như ôtô, xe máy, hóa dầu, điện, điện tử, chế tạo máy… Theo đó, ngành cơ khí chế tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm, công nghệ mới, hình thành các doanh nghiệp mới với sức cạnh tranh được nâng cao trong điều kiện kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Cơ khí chế tạo chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng; chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập; chưa có nhiều công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành; chưa có chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước; chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Các đơn vị tư vấn chưa làm chủ được thiết kế; các sản phẩm chuyên ngành, các linh, phụ kiện đòi hỏi độ chính xác cao chưa làm được. Tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp FDI chưa cao, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy có doanh nghiệp FDI mong muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng rất khó có thể tìm được các nhà cung cấp thích hợp. Nhiều chính sách cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong quá trình triển khai…

Nguyên nhân:

-Một là, hệ thống pháp luật về cơ khí chế tạo chưa thực sự hoàn thiện, phù hợp, có một số nội dung chưa tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI (như quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…) làm cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trong đấu thầu các dự án.

- Hai là, Việt Nam là thị trường cơ khí rất lớn, khoảng 40 tỷ USD/năm nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam được tham gia còn rất thấp.

- Ba là, sự chỉ đạo của Nhà nước chưa quyết liệt, chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành chưa đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo động lực đủ mạnh để doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ.

- Bốn là, quản lý nhà nước về lĩnh vực cơ khí chế tạo chưa được tập trung, quan tâm đúng mức.

- Năm là, các chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn trong nước chưa tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.

- Sáu là, trong bối cảnh quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế của Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, thiếu chủ động chuyển đổi cơ chế quản lý đồng bộ.

- Bảy là, các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết quy mô nhỏ bé, không đủ vốn để đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo; năng lực về quản lý, công nghệ…

- Tám là, các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực nghiên cứu phát triển hạn chế, vì vậy, mặc dù năng lực chế tạo có thể đảm nhận được tỷ lệ nội địa hóa lớn, nhưng vẫn phải làm gia công cho nước ngoài.

- Chín là, doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư có chiều sâu, đổi mới công nghệ hoặc để đầu tư nhằm tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Giải pháp phát triển:

-Cần có quan điểm rõ ràng về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của cơ khí chế tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.

- Xây dựng chiến lược về phát triển cơ khí chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh của Việt Nam về nguồn nhân lực, về thị trường rất tiềm năng… gắn với phát triển của ngành, lĩnh vực như: sản xuất máy công cụ phục vụ phát triển nông nghiệp;

- Phải coi chi tiêu công là hộ tiêu thị lớn của ngành cơ khí Việt Nam.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mũi nhọn; lựa chọn ngành và lĩnh vực sản phẩm để phát triển theo lộ trình.

- Nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, tạo điều kiện cho phát triển cơ khí chế tạo thông qua các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, đào tạo cán bộ.

- Tái thành lập ít nhất là một cơ quan quản lý nhà nước đủ mạnh về cơ khí chế tạo để nâng cao năng lực quản lý và chỉ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này.

- Có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thay thế đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản ở nước ngoài trước đây, nay đã đến tuổi nghỉ hưu.

- Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư lớn của Nhà nước (như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc…)

- Các doanh nghiệp cơ khí cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp, từng bước làm chủ KH&CN, chủ động về nguồn vốn đầu tư để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường khu vực và quốc tế.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, Số 6 năm 2019 (trang 04-06)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ