SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả nuôi vỗ ốc bươu đồng (pila polita) dưới ảnh hưởng của hàm lượng calcium khác nhau trong thức ăn

[29/12/2019 21:18]

Nghiên cứu do các tác giả Lê Văn Bình và Ngô Thị Thu Thảo đang công tác tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Calcium là thành phần chính cấu tạo vỏ của động vật thân mềm thuộc lớp Chân bụng (Marxen and Becker, 2000) và xây dựng 97% khối lượng vỏ (Heller and Magaritz, 1983), ngoài ra có một lượng nhỏ các thành phần khác như magiê, kẽm, natri, kali, đồng và photpho tham gia vào quá trình hình thành vỏ (Ireland, 1993). Vỏ ốc cứng chắc và dầy phụ thuộc rất lớn vào hàm lượng calcium (Marxen et al., 2003; Glass and Darby, 2009), ngoài ra calcium còn có chức năng như dung dịch đệm tham gia vào quá trình trao đổi chất và sản xuất các tế bào (Ireland, 1993), vì thế thành phần calcium chiếm 30% tổng khối lượng cơ thể động vật thân mềm thuộc lớp Chân bụng (Badmos et al., 2016). Hunter and Lull (1977) cho rằng calcium có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của ốc mẹ, Fournie and Chetail (1982, 1984) nghiên cứu cho thấy các loài thuộc lớp Chânbụng sẽ mất khoảng 20% calcium của cơ thể cho mỗi lần sinh sản và hầu hết được lấy từ gan và vỏ của con cái. Thêm vào đó, calcium được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố của động vật thân mềm có vỏ, các loài này cần calcium cho sự tồn tại, phát triển và sức sinh sản.

Ảnh minh họa: Internet

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của các hàm lượng calcium đến quá trình thành thục và hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita). Ốc được cho ăn 5 hàm lượng calcium khác nhau với 3 lần lặp lại cho mỗi hàm lượng calcium lần lượt là: 1% (Ca1); 3% (Ca3); 5% (Ca5); 7% (Ca7) và 9% (Ca9). Ốc bố mẹ có chiều cao vỏ từ 35,5 - 42,4 mm được nuôi trong bể lót bạt (kích thước 1×1×1 m) với mật độ 60 con/bể và tỉ lệ đực:cái là 1:1. Kết quả sau 90 ngày nuôi vỗ cho thấy, hệ số thành thục (GSI) của ốc bươu đồng ở Ca5 là cao nhất (6,3% ở con đực; 13,0% ở con cái), kế đến Ca7 (5,7%; 10,2%) và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với Ca1 (3,9%; 6,3%). Ốc nuôi vỗ ở nghiệm thức Ca5 có tần suất sinh sản là 1,11 tổ/tuần/m2, kế tiếp Ca7 (0,89 tổ/tuần/m2) và nhiều hơn (p<0,05) so với Ca1 (0,47 tổ/tuần/m2), Ca3 (0,72 tổ/tuần/m2) hay Ca9 (0,75 tổ/tuần/m2). Sức sinh sản của ốc bươu đồng đạt cao nhất ở Ca5 (202 trứng/tổ), kế đến Ca7 (187 trứng/tổ) và khác biệt (p<0,05) so với Ca1 (122 trứng/tổ), Ca3 (164 trứng/tổ) và Ca9 (183 trứng/tổ). Kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng thức ăn chế biến với hàm lượng calcium 5% đã cho kết quả thành thục sinh dục và hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng cao hơn so với các hàm lượng calcium khác.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 5B (2019): 48-56
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ