SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cô lập và xác định hàm lượng β-ecdysone từ lá cây thông đỏ lá dài (taxus wallichiana) trồng tại thành phố đà lạt, tỉnh Lâm Đồng

[29/12/2019 21:46]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Văn Trí, Bùi Thế Vinh, Lâm Bích Thảo, Cao Ngọc Giang và Trần Ngọc Hùng đang công tác tại Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện

Cây thông đỏ lá dài thuộc họ Thanh Tùng, là loài cây bản địa vùng Himalaya, phân bố từ Đông Afghanistan đến phía Tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ở độ cao 2000 – 3000 m. Tại Việt Nam, thông đỏ lá dài được xếp vào danh mục thực vật rừng nguy cấp và quý hiếm. Các quần thể thông đỏ lá dài mọcmtự nhiên hiện nay còn rất ít. Các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được 2 quần thể, 162 cây tại tỉnh Đắc Lắc và 410 cây tại khu vực núi Voi, tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, một số khu vực có độ cao khoảng 1500 tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng vùng trồng thông đỏ lá dài từ nguồn cây nuôi cấy mô (Vương Chí Hùng và Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2011). Rất nhiều hoạt chất có giá trị dược tính đã được phát hiện trong cây thông đỏ lá dài như tinh dầu, diterpenoid, lignin, steroid, sterol và biflavonoid. Trên thế giới, thông đỏ lá dài là nguồn nguyên liệu tách chiết taxol, một hoạt chất điều trị bệnh ung thư rất hiệu quả. Bên cạnh đó, trong lá thông đỏ lá dài còn chứa một lượng lớn β-ecdysone (20-hydroxyecdysone), một chất có tác dụng tương tự với hormone gây lột xác ở côn trùng và giáp xác.Trên cây thông đỏ lá dài, chất này tồn tại như một cơ chế tự vệ, giúp cây chống lại các loài côn trùng gây hại.

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài các hoạt chất chống ung thư, cây thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana) còn chứa nhiều chất có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, điển hình là hợp chất b-ecdysone có tác dụng kích thích lột xác ở côn trùng và giáp xác. Bằng các phương pháp sắc ký, phân tích phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR một chiều và hai chiều, so sánh  với chất chuẩn, nghiên cứu đã phân lập được hợp chất b-ecdysone từ lá cây thông đỏ lá dài trồng tại khu vực thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tách chiết theo phương pháp lắc phân đoạn với ethyl acetate và định lượng bằng quy trình sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC, nghiên cứu đã xác định được hàm lượng β-ecdysone trong lá cây thông đỏ lá dài đạt 55 mg/kg khô.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 5A (2019): 12-17
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài