SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

[19/05/2020 16:35]

Nghiên cứu do các tác giả Hà Nguyễn Y Khuê, Huỳnh Thị Hoài Thu, Trần Hoàng Tiên, Đặng Nguyễn Đoan Trang - Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm mục tiêu nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh với các mục tiêu: so sánh tỷ lệ chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh từ IV sang PO; thời gian điều trị kháng sinh IV và PO; thời gian nằm viện; chi phí kháng sinh trước và sau can thiệp.

Sử dụng kháng sinh hợp lý là một yếu tố then chốt nhằm mang lại hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng, đặc biệt trong thời đại đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi cơ sở y tế phải xây dựng chương trình giám sát sử dụng kháng sinh. Một trong những hoạt động của chương trình này là hướng dẫn chuyển đổi đường dùng kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống. Chương trình này trên thế giới đã được chứng minh là hiệu quả, an toàn và tiết kiệm chi phí. Tỷ lệ tái sử dụng kháng sinh đường tiêm, tỷ lệ tái nhập viện, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện trước và sau khi áp dụng chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh không khác biệt. Hơn nữa, việc chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh giúp mang lại nhiều lợi ích như giảm các tác dụng phụ liên quan đến đường tiêm như nhiễm khuẩn liên quan catheter, viêm tĩnh mạch, các phản ứng liên quan đến tiêm truyền, giảm các sai sót liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêm truyền Ngoài ra, chi phí điều trị kháng sinh, chi phí chăm sóc y tế và chi phí giường bệnh giảm do người bệnh được chuyển sang kháng sinh đường uống và được xuất viện sớm hơn. Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chưa có hướng dẫn chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh.

Do đó, nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh với các mục tiêu: so sánh tỷ lệ chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh từ IV sang PO; thời gian điều trị kháng sinh IV và PO; thời gian nằm viện; chi phí kháng sinh trước và sau can thiệp. Nghiên cứu áp dụng Phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả, so sánh 2 giai đoạn trước can thiệp (01/06 - 15/07/2017) và sau can thiệp (01/01 – 30/06/2018) tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Hình thức can thiệp: ban hành và hướng dẫn áp dụng chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống; can thiệp trực tiếp của dược sĩ trên hồ sơ bệnh án điện tử ở những trường hợp đủ tiêu chuẩn chuyển đổi. Tiêu chuẩn chọn mẫu là những trường hợp viêm phổi cộng đồng hoặc viêm phế quản cấp có nhiễm khuẩn, có sử dụng kháng sinh trong danh mục được phép chuyển đổi. Bệnh nhân bị loại ra khỏi nghiên cứu nếu không đủ các tiêu chuẩn chuyển đổi từ IV sang PO. Tiêu chuẩn chuyển đổi đường dùng kháng sinh dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Số liệu được thống kê mô tả bằng phần mềm SPSS 22.0.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng bệnh nhân thoả tiêu chuẩn chọn và loại mẫu ở hai giai đoạn lần lượt là 20 và 67. Tỷ lệ chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh từ IV sang PO trước và sau can thiệp lần lượt là 5% và 40,3%, p < 0,001. Tỷ lệ về thời gian điều trị kháng sinh (IV:PO) trước can thiệp là (63,1% : 36,9%) so với sau can thiệp (52,1% : 47,9%), p = 0,002. Thời gian nằm viện (ngày) trước và sau can thiệp lần lượt là 9,3 ± 2,7 và 7,5 ± 2,8, p = 0,014. Chi phí kháng sinh IV (1.000 VNĐ) trước can thiệp là 2,508 ± 1,597 so với sau can thiệp là 2,781 ± 1,537, p = 0,492.

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng hướng dẫn chuyển đổi đường dùng kháng sinh từ IV sang PO giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh, giảm tỷ lệ về thời gian điều trị kháng sinh (IV : PO) và thời gian nằm viện.

Vân Anh

Tạp chí Y Học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ Bản Tập 23 - Số 2 - 2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ