SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định thời điểm chuyển đổi thức ăn chế biến phù hợp trong ương Lươn từ bột lên giống

[30/05/2020 10:03]

Thời gian cá sử dụng hiệu quả thức ăn chế biến chịu ảnh hưởng bởi sự hoàn thiện của ống tiêu hóa cũng như số lượng phát triển chức năng sinh lý của ống tiêu hóa ở giai đoạn cá bột và mỗi loài có thời điểm sử dụng hiệu quả thức ăn chế biến (TĂCB) khác nhau (Cuvier-Péres and Kestemont, 2002).

Ảnh minh họa

Nghiên cứu sử dụng TĂCB thay thế cho thức ăn tự nhiên mang lại hiệu quả ưu việt như hạn chế hiện tượng ăn nhau, chủ động trong việc cung cấp thức ăn trong quá trình ương nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản xuất,… Tuy nhiên, việc chuyển từ thức ăn đặc trưng của loài sang nguồn thức ăn nhân tạo là giai đoạn khó thực hiện ở hầu hết các đối tượng thủy sản (De silva and Anderson, 1997). Việc tập ăn cho cá có thể thực hiện ở các giai đoạn khác nhau và thời gian để cá chấp nhận TĂCB khác nhau tùy từng loài. Tập ăn TĂCB cho cá lóc bông giai đoạn 40 ngày tuổi cho tỉ lệ sống 80,8% và tăng trưởng 1,07 g/ngày tốt nhất với phương thức thay thế 10% TĂCB/3 ngày (Hien et al., 2017). Thời điểm tập ăn hiệu quả TĂCB của cá thát lát còm là 25 ngày tuổi với phương thức thay thế dần trùn chỉ bằng TĂCB với tỷ lệ 10%/ngày. Ngược lại, ở một số loài cá tập ăn ở giai đoạn sớm dưới 15 ngày cho kết quả tốt hơn như cá kết, Micronema bleekeri (Nguyễn Văn Triều và ctv., 2008), cá bơn xanh, Rhombosolea tapirina (Hart and Purser, 1996), cá vược măng Sanderlucioperca (Ostaszewska et al., 2005). Hiện nay, nhiều đối tượng thủy sản quan trọng như tôm sú, cua biển, cá tra, cá thát lát, cá lóc, lươn đã được nuôi và phát triển nhanh trong những năm gần đây. Lươn, Monopterus albus hiện đang được chú ý để phát triển nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khi ương lươn từ bột lên giống thức ăn tươi sống (TĂTS) như Moina, trùn chỉ và cá tạp được sử dụng phổ biến. Để phát triển nghề nuôi lươn bền vững thì việc sử dụng TĂCB nuôi lươn là rất cần thiết. Để chuyển đổi từ TĂTS sang TĂCB thì việc xác định thời điểm thích hợp thay thế TĂTS bằng TĂCB trong ương lươn giống là rất cần thiết hiện nay.

Nghiên cứu do Nhóm tác giả gồm: Trần Thị Thanh Hiền, Phạm Thanh Liêm, Phạm Minh Đức, Nguyễn Thanh Hiệu, Lam Mỹ Lan (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2018 tại Trại thí nghiệm, Bộ môn Kỹ thuật nuôi nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

Thành phần nguyên liệu và công thức TĂCB được mô tả ở bảng 1, thức ăn nổi, kích cỡ thức ăn từ 0,4 mm - 1 mm. Thức ăn cá biển xay (CBX) là cá nục tươi, phi lê lấy phần thịt, xay nhuyễn làm thức ăn cho lươn. Thức ăn tươi sống gồm Moina, trùn chỉ.

Phương pháp nghiên cứu được bố trí thành các thí nghiệm như sau:

Thí nghiệm 1: Xác định thời điểm tập ăn thích hợp cho lươn Lươn 1 ngày tuổi được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào các khay nhựa với số lượng thả là 150 con/khay (20 L nước). Thí nghiệm gồm có 5 nghiệm thức khác nhau về thời điểm bắt đầu tập ăn TĂCB: 20, 25, 30, 35 và 40 ngày tuổi và nghiệm thức đối chứng sử dụng hoàn toàn TĂTS gồm moina (từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 9), trùn chỉ (từ ngày thứ 10 đến ngày 29) và cá biển xay (từ ngày thứ 30); mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. TĂCB được sử dụng theo công thức thức ăn tập ăn cho cá của Hien và cộng tác viên (2017). Phương thức tập ăn thay thế dần trùn chỉ bằng TĂCB như sau lượng thức ăn chế biến tăng dần 20% TĂCB/ngày đến khi sử dụng 100% TĂCB. Trong thời gian thí nghiệm, các nghiệm thức chưa đến thời điểm cho ăn TĂCB được cho ăn như nghiệm thức đối chứng. Thời gian thí nghiệm đến lươn được 60 ngày tuổi.

Thí nghiệm 2: So sánh hiệu quả khi chuyển đổi thức ăn cá biển xay và thức ăn chế biến ương lươn giống Chuẩn bị lươn thí nghiệm: Lươn từ 10 đến 25 ngày tuổi được ương bằng trùn chỉ để chuẩn bị nguồn lươn cho thí nghiệm chuyển đổi thức ăn, lươn được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào 3 khay nhựa (20 L nước) với số lượng thả là 700 con/khay. Lươn 25 ngày tuổi chọn đồng cỡ bố trí với 2 nghiệm thức ăn cá biển xay và TĂCB, mỗi nghiệm thức lập lại 5 lần. 10 ngày đầu lươn tiếp tục được cho ăn trùn chỉ, từ ngày thứ 35 bắt đầu chuyển đổi thức ăn CBX hoặc TĂCB với mức độ thay thế 20% ngày (thay thế 100% sau 5 ngày). Thời gian thí nghiệm 50 ngày.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Lươn giai đoạn bột có khả năng sử dụng TĂCB trong quá trình ương; thời điểm thích hợp để bắt đầu tập ăn TĂCB là 35 ngày sau khi nở; việc chuyển đổi TĂCB cho tỉ lệ sống cao, giảm ô nhiễm môi trường nước và giảm chi phí thức ăn.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 3(100)/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ