SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của đèn Led đến sinh trưởng và phát triển của cây lan hồ điệp ở giai đoạn chăm sóc cây trong nhà lưới

[21/06/2020 12:00]

Sử dụng công nghệ đèn LED đã được các nhà khoa học nghiên cứu, đưa vào sử dụng trong nông nghiệp ở nhiều nước. Ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ đèn đã được các nhà khoa học thực hiện trên một số loại cây trồng và mang lại hiệu quả khả quan.

Ảnh: Internet

Trong những năm gần đây, cùng với nhu cầu và sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh nói chung thì nhu cầu sử dụng hoa lan Hồ điệp nói riêng ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh. Bên cạnh nhu cầu về số lượng thì đòi hỏi về chất lượng hoa cũng ngày càng cao. Lan Hồ điệp được tiêu thụ nhiều nhất ở các thành phố lớn và chủ yếu được nhập về từ Đài Loan, Trung Quốc... Điều này cho thấy sản xuất hoa lan Hồ điệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân.Trong nông nghiệp công nghệ cao, việc nhân giống các cây nông nghiệp nói chung, bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật quí hiếm nói riêng, hầu hết cây giống được nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, giai đoạn đầu cây giống được trồng trong các nhà lưới, nhà kính... Trong điều kiện như vậy, việc chiếu sáng cho phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, cho cây sinh trưởng trong nhà kính, nhà lưới là yêu cầu bắt buộc (Nguyễn Việt Chương, Nguyễn Việt Thái,2008) và việc tìm ra giải pháp tốt nhất về nguồn sáng nhằm nâng cao chất lượng cây giống cũng như hạ giá thành sản phẩm cây trồng cũng đang được quan tâm hàng đầu. Các nghiên cứu cho thấy thông qua sự thay đổi chế độ chiếu sáng cho cây trồng, chúng ta cóthể làm thay đổi sự sinh trưởng, phát triển của cây (Nguyễn Quang Thạch và ctv., 2005).Trong nông nghiệp, đèn LED được ứng dụng ươm tạo giống cây, kích thích sinh trưởng cây trồng, cải thiện đáng kể mật độ cây trồng, có thể chiếu sáng gần mà không tạo hiệu ứng nhiệt gây hại cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản, giúp tăng giá trị dinh dưỡng, giảm nồng độ nitrat trong rau quả.Ở Việt Nam, hệ thống trồng rau sạch sử dụng đèn LED với các tỷ lệ ánh sáng xanh đỏ khác nhau được thử nghiệm tại Đà Lạt và Cần Thơ cho thấy năng su ất, chất lượng rau cao hơn hẳn so với đèn huỳnh quang thông thường, trong khi điện năng giảm đến 60% (Ngô Văn Quyền, 2016). Tuy nhiên, để xác định được loại đèn LED có tỷ lệ các thành phần phổ ánh sáng tối ưu cho mỗi loại cây trồng, cần tiếp tục nghiên cứu thêm và đặc biệt là đối với lan Hồ điệp thì chưa có các nghiên cứu ứng dụng công nghệ LED nhằm phát huy tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng của cây trồng. Nghiên cứu “Ảnh hưởng của đèn LED đến sinh trưởng và phát triển của cây lan Hồ điệp ở giai đoạn chăm sóc cây trong nhà lưới” được thực hiện bởi nhóm tác giả của Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện Ứng dụng công nghệ nhằm giải quyết vấn đề trên.

Nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ - Viện Ứng dụng công nghệ, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn chăm sóc cây con trong nhà lưới đối với giống hoa lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ đèn LED:

- Sử dụng đèn LED có bước sóng ứng với ánh sáng có tỷ lệ xanh/đỏ là 1/1 (50% xanh + 50% đỏ) phù hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển của lan Hồ điệp trong giai đoạn chăm sóc cây con trong nhà lưới.

- Sử dụng đèn LED ở cường độ sáng 30 μm/m-2/s-1 có tác động hiệu quả nhất tới sự phát triển của cây ở giai đoạn chăm sóc trong nhà lưới.

- Ở giai đoạn chăm sóc trong nhà lưới, số giờ chiếu sáng bổ sung bằng đèn LED tốt nhất cho cây lan Hồ điệp là 8 h/ngày.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 03/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ