SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả lai tạo và khảo nghiệm giống hoa Lan hồ điệp thơm THP254

[01/07/2020 08:44]

Lan Hồ điệp là một trong những loại hoa được trồng phổ biến nhất trên thế giới với quy mô công nghiệp bởi kiểu dáng hoa đa dạng và độ bền hoa dài. Ở Việt Nam, các giống lan Hồ điệp đang được trồng và sử dụng trong sản xuất hiện nay phần lớn là giống nhập nội, tuy nhiên nhu cầu về bộ giống lan Hồ điệp mới luôn luôn được đòi hỏi.Với mục đích tạo ra được các giống lan Hồ điệp đa dạng về hình thái, màu sắc hoa và có hương thơm, Viện Nghiên cứu Rau Quả đã tiến hành lai hữu tính, sử dụng nguồn gen trong nước và nhập nội.

Lan Hồ điệp (Phalaenopsis sp.) là loại hoa được xếp vào loài hoa “cao cấp” và được ưa chuộng nhất hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Năm  2014, nước ta đã nhập nội trên 9 triệu  cây (bao gồm cả cây giống và hoa thương phẩm) từ Trung Quốc và Đài Loan, trong đó riêng ở miền Bắc chiếm khoảng 40% để sản xuất và tiêu thụ trong các dịp lễ, Tết. Điều này cho thấy sản xuất hoa lan Hồ điệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người dân (Đặng Văn Đông, 2014). Một trong những giải pháp quan trọng là tiến hành lai hữu tính để tạo ra những giống lan mới có màu sắc lạ, đẹp, có hương thơm. Những năm gần đây, công tác lai tạo giống lan Hồ điệp mới được đẩy mạnh tại Viện Nghiên cứu Rau Quả. Nhiều giống hoa lan Hồ điệp được lai tạo, chọn lọc và khảo nghiệm, trong đó giống THP254 có nhiều đặc điểm nổi trội và được người dân chấp nhận.

Vật liệu nghiên cứu

Các dòng lai THP1220, THP147, THP158,

THP254, THP2812, THP326, giống đối chứng là giống Tiểu Kiều Tím (TKT). Giống TKT được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống cho sản xuất thử theo Quyết định số 69 QĐ-TT-CLT ngày  14 tháng 3 năm 2011.

Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp chọn lọc dòng lai: Thí nghiệm được bố trí tuần tự không nhắc lại. 6 dòng lai của các tổ hợp lai được đánh giá các đặc tính nông sinh học theo phương pháp đánh giá cá thể. Mỗi dòng lai đánh giá 100 cây. Mật độ trồng 20.000 cây/1000 m2. Diện tích thí nghiệm: 30 m2 .
  • Khảo nghiệm cơ bản: Ba giống lai THP147, THP254, THP326 và đối chứng là Tiểu Kiều Tím được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại. Mỗi giống 1200 cây. Mật độ trồng 20.000 cây/1000 m2. Diện tích khảo nghiệm: 240 m2.
  • Khảo nghiệm sản xuất: Giống  lai  THP254  và đối chứng là Tiểu Kiều Tím được bố trí theo phương pháp tuần tự không nhắc lại,  mỗi  giống 500 cây/địa phương.
  • Phương pháp mô tả đặc điểm hình thái của các dòng lai lan Hồ điệp: Mô tả đặc điểm hình thái theo bảng tính trạng của UPOV về cây lan Hồ điệp (UPOV, 2013).
  • Tiến hành đánh giá mỗi giống theo dõi 30 cây.Định kỳ theo dõi 15 ngày/lần.
  • Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý theo chương trình Excel và IRRISTAT 5.0.
  • Thời gian và địa điểm nghiên cứu
  • Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2019 tại Viện Nghiên cứu Rau Quả, Gia Lâm - Hà Nội, Đan Phượng - Hà Nội, Từ Sơn - Bắc Ninh và Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Kết luận

  • Kết quả đã chọn được 3 dòng lai THP147, THP254 và THP326 có hương thơm, khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, có hoa đẹp vượt trội so với các dòng lai khác: Dòng lai THP 147 có hoa màu vàng tươi, THP254 có hoa màu vàng cam và THP326 có hoa màu tím đỏ, nhiều hoa/cây.
  • Khảo nghiệm cơ bản 3 dòng lai hoa lan Hồ điệp THP147, THP254 và THP326 cho thấy, dòng THP254 sinh trưởng khỏe, bệnh thối nhũn hại nhẹ, chiều dài cành hoa đạt 34,4 - 37,1 cm, số hoa trên cây: 33,3 - 35,7 hoa, có hương rất thơm, tỷ lệ hoa nở (90,5 - 93,5%) và độ bền hoa (61 - 65 ngày).
  • Khảo nghiệm sản xuất cho thấy dòng lai THP254 có khả năng sinh trưởng, phát triển ổn định, bệnh thối nhũn hại nhẹ, mầm hoa ra tập trung (sau xử lý 20 ngày), tỷ lệ ra hoa cao (92 - 95%).
Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ