SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của nano bạc đến khả năng nhân giống in vitro cây Trầu tiên (Asarum glabrum Merr.)

[27/07/2020 10:35]

Trầu tiên (Asarum glabrum Merr.) là một loài dược liệu quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam với cấp đánh giá “đang nguy cấp”.

Trầu tiên (Asarum glabrum Merr.) là loài thân thảo, cao 20-30 cm, sống lâu năm, thuộc chi Hoa tiên (Asarum), họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Thân rễ tròn có đốt, mang nhiều rễ phụ, có thể phân nhánh. Cây đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng, thường mọc trên đất nhiều mùn dọc theo hành lang khe suối, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm ở độ cao 1.000- 1.600 m. Trong tự nhiên, loài này phân bố ở một số nơi thuộc vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh… Do trữ lượng không lớn, lại bị khai thác và mất nơi sống vì diện tích rừng bị thu hẹp, dẫn đến loài này đang trong tình trạng nguy cấp, cần được bảo tồn. Trong y học cổ truyền, người ta thường sử dụng thân và rễ của Trầu tiên làm thuốc chữa các bệnh ho, viêm phế quản, hen suyễn, phong hàn, tê thấp; còn hoa là vị thuốc bổ dùng để ngâm rượu uống. Nghiên cứu của Trần Huy Thái và cộng sự (2010) cho thấy, trong thân và thân rễ khô Trầu tiên có chứa 0,36% tinh dầu, tỷ lệ này thay đổi theo mùa và nơi thu hái. Hoạt chất chủ yếu trong tinh dầu Trầu tiên là safrol (42,24%), apiole (27,11%) và myristicin (6,13%).

Nuôi cấy mô tế bào thực vật đóng vai trò quan trọng trong nhân giống cây trồng nói chung và cây dược liệu nói riêng. Đây là phương pháp làm gia tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng cây trồng, cung cấp nguồn cây sạch bệnh với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, yếu tố cản trở lớn nhất của kỹ thuật này là sự ảnh hưởng của nấm và vi khuẩn trong mẫu vật liệu. Với ưu điểm tăng tiếp xúc và bám dính lên bề mặt tế bào, làm tăng hiệu quả tác động, nên xu hướng sử dụng nAg thay thế cho các chất khử trùng khác như HgCl2 , Ca(ClO)2 , NaOCl cũng như bổ sung vào môi trường nuôi cấy để nâng cao hiệu quả khử trùng, tránh ô nhiễm môi trường và giảm thiểu sự độc hại cho người và các sinh vật khác đã và đang được nhiều nghiên cứu áp dụng. Rostami và Shahsavar (2009) đã bổ sung nAg ở nồng độ 4 mg/l vào môi trường nuôi cấy cây ô liu cho khả năng kháng khuẩn tốt nhất mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nasser và cộng sự (2013) đã sử dụng nAg ở các nồng độ khác nhau để khử trùng mẫu cà chua, khoai tây, sau đó chuyển các mẫu vào nhân nuôi trên môi trường MS có bổ sung nAg ở nồng độ thấp. Kết quả cho thấy, nguyên liệu này có khả năng kháng khuẩn tốt và không có tác dụng phụ đối với khả năng sống và phát triển của mầm. Tại Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu sử dụng nAg trong khử trùng mẫu và bổ sung vào môi trường nuôi cấy một số cây như: hoa hồng, hoa cúc, lan hồ điệp, dâu tây. Kết quả đều cho thấy, nAg là nguyên liệu khử khuẩn hiệu quả, có thể thay thế các chất diệt khuẩn thường dùng như HgCl2 , Ca(ClO)2 trong nuôi cấy in vitro tế bào thực vật. Một nghiên cứu của và Bùi Thị Thanh Phương ctv. cũng nghiên cứu về vấn đề này.

Trong nghiên cứu của và Bùi Thị Thanh Phương ctv, nano bạc (nAg) được sử dụng làm chất khử trùng mẫu đốt thân rễ cây Trầu tiên ở các nồng độ 75, 100, 125, 150 và 200 ppm trong các khoảng thời gian 20, 30, 40, 50 và 60 phút. Kết quả sau 4 tuần nuôi cấy cho thấy, mẫu được khử trùng bằng nAg ở nồng độ 150 ppm trong 40 phút cho tỷ lệ mẫu sống và tỷ lệ mẫu sống sạch bệnh đạt cao nhất (tương ứng là 70,32 và 65,34%). Từ vật liệu khởi đầu, mẫu được đưa vào nuôi cấy trong môi trường MS bổ sung 20 g/l sucrose, 8,5 g/l agar, 1 mg/l BAP và chứa nAg với các nồng độ 0, 2, 4, 6, 8 ppm. Kết quả cho thấy, môi trường tối ưu tạo chồi có bổ sung 6 ppm nAg, sau 4 tuần có tỷ lệ mẫu sinh chồi đạt 69,34%, số chồi trung bình/mẫu đạt 1,58. Môi trường MS bổ sung 20 g/l sucrose, 8,5 g/l agar, 2 mg/l BAP và 6 ppm nAg thích hợp nhất trong giai đoạn nhân nhanh, sau 6 tuần nuôi cấy, hệ số nhân và chiều cao trung bình của chồi tương ứng đạt 2,81 lần và 1,78 cm.

Vân Anh

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Số 6 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ