SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hiệu quả ức chế virus gây bệnh Gumboro của interferon trên gà thực nghiệm

[30/08/2020 20:08]

Gumboro là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chủ yếu xảy ra ở gà và gà tây. Bệnh có đặc điểm là gây viêm túi Fabricius, xuất huyết cơ ngực, cơ đùi, làm hoại tử thận, đặc biệt là làm suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc mất khả năng đáp ứng miễn dịch đối với vaccine phòng các bệnh khác và dễ bị cảm nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.

Bệnh thường xảy ra khi gà ở giai đoạn 3-6 tuần tuổi. Bệnh gây tổn thất kinh tế rất lớn do tỷ lệ nhiễm bệnh có thể lên đến 100% và tỷ lệ chết có thể từ 20 đến 50%. Bệnh do Birnavirus tác động vào túi Fabricius gây suy giảm miễn dịch, do đó không thể sử dụng kháng sinh để điều trị và rất khó để khu trú ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực protein tái tổ hợp, các protein đã được tạo ra dễ dàng, số lượng lớn, giá thành rẻ và được ứng dụng phổ biến để hỗ trợ trong chăn nuôi. Trong số này, interferon được đặc biệt chú ý vì nó có thể ức chế sự tăng sinh của virus, ức chế sự phát triển của các tế bào khối u, do vậy interferon được sử dụng như một chất điều trị không đặc hiệu cho mọi nhiễm trùng do virus. Ở gà, rChIFN-α đã được chứng minh có hiệu quả ức chế sự nhân lên của virus trong các điều kiện in vitro và in vivo. Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của các nghiên cứu protein tái tổ hợp, việc biểu hiện các protein có hoạt tính sinh học, số lượng lớn và giá thành rẻ đã được thực hiện dễ dàng. Hệ thống biểu hiện protein tái tổ hợp phổ biến hiện nay là Pichia pastoris vì nó có nhiều ưu điểm, đặc biệt là nó cung cấp môi trường thích hợp để protein tái tổ hợp tiết ra ngoài môi trường, gấp cuộn và thực hiện các biến đổi sau dịch mã. Hơn nữa, thành phần môi trường nuôi cấy Pichia pastoris lại đơn giản, chi phí lên men thấp, các phương pháp sử dụng, chủng, vector biểu hiện đều đã được thương mại hóa, rất phù hợp cho sản xuất lớn. Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu biểu hiện thành công rChIFN-α từ nấm men Pichia pastoris và chứng minh protein này có hoạt tính kháng virus gây bệnh Gumboro ở điều kiện in vitro. Chính vì thế, trong nghiên cứu này chúng tôi thực hiện đánh giá hiệu quả điều trị của protein tái tổ hợp ở điều kiện in vivo trong thời gian 2018-2019.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, rChIFN-α có hiệu quả kháng lại virus gây bệnh Gumboro ở nồng độ 10 µg/con  và 100 µg/con với tỷ lệ bảo hộ tương ứng là 36,67 và 56,67%. Đồng thời, khi kết hợp rChIFN-α cùng rChIFN-γ (1 µg/con), tỷ lệ gà được bảo hộ tăng lên, đạt 53,33 và 70,00% tương ứng với nhóm gà sử dụng rChIFN-α 10 µg/con  và 100 µg/ con. Bên cạnh đó, đánh giá hiệu giá kháng thể cũng cho thấy, rChIFN-α không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của gà khi bị nhiễm virus. Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp rChIFN-γ và rChIFN-α, khả năng đáp ứng miễn dịch của gà tăng cao và duy trì đỉnh nồng độ kháng thể sau hơn 2 tuần nhiễm virus.

Tóm lại, khi sử dụng rChIFN-α kết hợp hoặc không kết hợp với rChIFN-γ hoàn toàn có hiệu quả trong điều trị bệnh Gumboro cho gà khi được cấp bằng đường nhỏ mắt/mũi. Hiệu quả bảo hộ đạt 37-70% và tỷ lệ.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam Tập 62(5) 5.2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ