SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bắc Cực đang "bốc hỏa" chưa từng thấy

[16/09/2020 15:37]

Các đám cháy ở những vùng đất than bùn cổ đại thuộc Bắc Cực từng là bể chứa carbon đang giải phóng lượng carbon dioxide kỷ lục.

Các đám cháy, như đám cháy trong ảnh ở Vùng Novosibirsk, phía nam Siberia, đã giải phóng lượng carbon dioxide kỷ lục trong năm nay.

Các đám cháy rừng bùng phát dọc theo Vòng Bắc Cực vào mùa hè năm nay đã thiêu rụi các lãnh nguyên, nhấn chìm các thành phố ở Siberia trong khói lửa và là mùa cháy bất thường thứ hai liên tiếp.

Tại thời điểm mùa cháy giảm dần cường độ vào cuối tháng trước, các ngọn lửa đã thải ra 244 megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn) carbon dioxide (C02) - tăng 35% so với năm ngoái, trong khi mức phát thải năm ngoái vốn đã là một kỷ lục.

Các nhà khoa học nói rằng nguyên nhân đằng sau mức phát thải CO2 cao bất thường có thể là các vùng đất than bùn đang bị đốt cháy.

Đất than bùn hình thành khi cây bị úng nước từ từ thối rữa, đôi khi trong hàng nghìn năm. Đây là hệ sinh thái đậm đặc carbon nhất trên Trái đất. Một vùng đất than bùn điển hình chứa lượng carbon nhiều gấp mười lần so với một khu rừng. Khi đất than bùn cháy, nó giải phóng cacbon đang lưu trữ vào bầu khí quyển.

Gần một nửa lượng carbon lưu trữ trong đất than bùn của thế giới nằm trong khoảng từ 60 đến 70 độ Bắc, dọc theo Vòng Bắc Cực (hay vĩ tuyến 66° 33′ 39″ ở phía bắc đường xích đạo). Vùng đất giàu carbon này vốn đóng băng nhưng khi hành tinh ấm lên, chúng dễ bị cháy hơn. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy, các vùng đất than bùn ở phía bắc cuối cùng có thể chuyển từ nơi chứa carbon ròng thành nguồn phát thải carbon, làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu.

Theo Thomas Smith, nhà địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, những vụ cháy rừng chưa từng có ở Bắc Cực vào năm 2019 và 2020 cho thấy bước chuyển này đang diễn ra.

Mở màn bất thường

Mùa cháy ở Bắc Cực năm nay mở màn một cách bất thường: vào đầu tháng 5 đã có những đám cháy bùng lên ở phía bắc Siberia, thay vì vào khoảng tháng 7 như trước đây. Do bắt đầu sớm, các đám cháy ở Bắc Cực kéo dài lâu hơn bình thường và cũng "tiến xa hơn nhiều về phía bắc so với trước đây", Jessica McCarty, nhà địa lý tại Đại học Miami ở Oxford, Ohio, nói.

Các nhà nghiên cứu hiện đang đánh giá xem mùa cháy ở Bắc Cực này nghiêm trọng như thế nào.

Hệ thống giám sát cháy rừng của Nga ghi nhận gần 19 nghìn vụ cháy khác nhau ở hai vùng viễn đông của nước này, Evgeny Shvetsov, chuyên gia chữa cháy tại Viện Rừng Sukachev, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết. Hầu hết các vụ cháy xảy ra ở các khu vực đóng băng vĩnh cửu, nơi mặt đất bị đóng băng quanh năm.

Để ước tính lượng khí thải carbon dioxide từ mùa cháy năm nay, các nhà khoa học thuộc Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của Ủy ban Châu Âu đã dùng các vệ tinh nghiên cứu vị trí và cường độ của các đám cháy, sau đó tính toán lượng nhiên liệu mỗi nơi có thể đã bị đốt.

Ngay cả mức kỷ lục đo được, 244 megaton carbon dioxide, có thể vẫn thấp hơn con số phát thải trên thực tế, theo Mark Parrington, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn của Châu Âu ở Reading, Vương quốc Anh, cho biết. Lý do là các đám cháy ở vùng đất than bùn có thể có cường độ quá thấp để các cảm biến vệ tinh ghi nhận được.

Vĩnh viễn ở lại trong khí quyển

Các đám cháy ở Bắc Cực năm nay sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu như thế nào trong thời gian dài còn tùy thuộc xem đất than bùn hay rừng bị cháy nhiều hơn. Các vùng đất than bùn, không giống như rừng cây, không "mọc" lại nhanh chóng sau một trận hỏa hoạn và sẽ không hấp thụ lại CO2 trong tương lai. Vì vậy khi đất than bùn cháy, lượng carbon thải ra sẽ vĩnh viễn ở lại trong khí quyển.

Smith tính toán rằng, khoảng một nửa số vụ cháy rừng ở Bắc Cực vào tháng 5 và tháng 6 là trên các vùng đất than bùn - và trong nhiều trường hợp, đám cháy diễn ra trong nhiều ngày, cho thấy chúng được tiếp sức bởi các lớp than bùn dày hoặc đất giàu chất hữu cơ khác.

Một nghiên cứu được công bố tháng trước đã phát hiện, có gần bốn triệu km vuông đất than bùn ở các vĩ độ phía bắc. Rất nhiều trong số đó, nhiều hơn so với các ước tính trước đây, đóng băng mỏng, bởi vậy dễ tan và trở nên khô cằn - Gustaf Hugelius, nhà khoa học về lớp băng vĩnh cửu tại Đại học Stockholm, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Hugelius và các đồng nghiệp cũng phát hiện, mặc dù các vùng đất than bùn đã giúp làm mát khí hậu trong hàng nghìn năm bằng cách lưu trữ carbon, chúng có thể sẽ biến thành nguồn phát thải cacbon vào cuối thế kỷ.

Hoàng Nam

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ