SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội đồng đánh giá giữa kỳ Đề tài “Nghiên cứu sự biến đổi HPV-DNA và tế bào học cổ tử cung ở phụ nữ 18 – 69 tuổi liên quan đến nhiễm HPV tại thành phố Cần Thơ”

[01/10/2020 10:31]

Chiều ngày 30/9/2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ tổ chức Hội đồng đánh giá giữa kỳ Đề tài “Nghiên cứu sự biến đổi HPV-DNA và tế bào học cổ tử cung ở phụ nữ 18 – 69 tuổi liên quan đến nhiễm HPV tại thành phố Cần Thơ” do GS.TS Phạm Văn Lình và BS CK II Dương Mỹ Linh đồng chủ nhiệm, Trường Đại học Y dược TP. Cần Thơ là cơ quan chủ trì.

 Toàn cảnh buổi đánh giá giữa kỳ

Mục tiêu của đề tài nhằm xác định HPV-DNA, biến đổi tế bào học cổ tử cung (CTC) và mối liên quan giữa nhiễm HPV với biến đổi tế bào học CTC ở phụ nữ 18-69 tuổi nhiễm HPV tại TP Cần Thơ từ năm 2013-2020.

Qua thời gian triển khai, đề tài thực hiện những nội dung: Xác định tỷ lệ biến đổi HPV-DNA, biến đổi tế bào học cổ tử cung và mối liên quan giữa nhiễm HPV với biến đổi tế bào học cổ tử cung ở phụ nữ 18-69 tuổi nhiễm HPV tại TP.Cần Thơ; Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến sự biến đổi HPV-DNA và tế bào học cổ tử cung ở phụ nữ TP.Cần Thơ.

 Thành viên hội đồng

Kết quả đạt được trong quá trình triển khai cho thấy, phụ nữ ≤ 45 tuổi có tỷ lệ biến đổi DNA-HPV là 18% so với 5,8% ở phụ nữ 45 tuổi (2016) phù hợp với nghiên cứu từ 2008-2012 tại Anh Quốc cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ 40-49 tuổi cao hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Đối tượng nghiên cứu thay đổi bạn tình hoặc chồng của họ có thêm bạn tình mới có tỷ lệ biến đổi DNA-HPV cao hơn những phụ nữ hoặc chồng của họ không thay đổi bạn tình. Tương tự, Hà Nguyên Phương Anh (2015) cũng cho rằng việc quan hệ tính dục với nhiều người hoặc người bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV cũng như tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung so với những phụ nữ hoặc bạn tình của họ không có hành vi này. Theo A.Bardina nguy cơ nhiễm HPV tăng lên gấp 3,3 lần với độ tin cậy 95%: 1,6-6,8 ở những phụ nữ mà bạn tình của họ có quan hệ tình dục với nhiều người. Yếu tố nguy cơ lớn nhất khiến cho một cá nhân nhiễm HPV có thêm bạn tình mới, nguy cơ này tăng lên 10 lần đối với một bạn tình mới trong vòng 4 tháng gần nhất. Những phụ nữ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng là yếu tố làm tăng sự biến đổi DNA-HPV. Điều này phù hợp với Hà Nguyên Phương Anh (2015) ghi nhận tỷ lệ nhiễm HPV ở những phụ nữ nhiễm Herpes simplex là 44,44% so với 37,12% ở những phụ nữ không nhiễm. Tương tự, Penson và Lee (2019), HPV là bệnh nhiễm trùng duy nhất có liên quan cụ thể với ung thư cổ tử cung; tuy nhiên tiền sử có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và phát hiện được khi khám âm đạo hay khi đặt mỏ vịt sẽ làm tăng nguy cơ cung thư cổ tử cung.

BS CK II Dương Mỹ Linh (Bên trái, đồng chủ nhiệm đề tài)

Dự kiến những công việc cần triển khai trong thời gian tới: Tiếp tục thu thập mẫu và phân tích xét nghiệm DNA-HPV bằng kỹ thuật Realtime PCR tại phòng xét nghiệm Sinh lý bệnh miễm dịch và xét nghiệm PAP và giải phẫu bệnh lý tại phòng xét nghiệm Sinh lý bệnh trường Đại học Y Dược Cần Thơ; Xác định mối liên quan giữa nhiễm HPV với biến đổi tế bào cổ tử cung; đăng 2 bài báo trên tạp chí y học.

Hội đồng đánh giá đề tài thực hiện đúng tiến độ, nội dung, tuy nhiên Ban chủ nhiệm cần bổ sung thêm một số nội dung theo như góp ý của các thành viên trong hội đồng.

ctngoc

Sở KH&CN TP.Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ