SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Rà soát công tác kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

[26/10/2020 11:01]

Mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được các chuyên gia nhìn nhận sẽ thay đổi căn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của cơ quan hải quan, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giao lưu thương mại qua biên giới.

Hơn nữa, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập làm phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí, kéo dài thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Từ đó, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa, ngày 13/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP, trong đó giao: “Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng “Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” trên cơ sở lấy ý kiến và được sự đồng thuận của các bộ quản lý chuyên ngành và đáp ứng được các yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, đề án đáp ứng được nhiều mục tiêu cốt lõi đề ra như: cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, đề án góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu góp ý dự thảo Đề án.

Cần đánh giá đầy đủ về thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành

Tại Hội nghị lấy ý kiến cho Dự thảo “Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN), cho biết, về công tác đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, Bô KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018).

Theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, căn cứ mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực lựa chọn biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu cho phù hợp, cụ thể: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Đồng thời tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP cũng đã quy định việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu; việc miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu. Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm (việc kiểm tra căn cứ trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật), thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ tối đa 01 ngày.

Đồng thời, đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 02 năm.

“Do đó, Bộ Tài chính cần đánh giá đầy đủ về thực trạng công tác KTCN hiện nay như về cơ sở pháp lý, thực trạng tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và tình hình thực thi Nghị quyết số 19/NQ-CP từ năm 2016 đến năm 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 trong thời gian vừa qua của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đối với hoạt động KTCN, trong đó có kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để từ đó có những nhận định đa chiều hơn đối với hoạt động kiểm tra này”, TS. Linh cho biết.

TS. Linh cũng nhất trí với với việc triển khai áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, cũng đưa đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể với từng nhóm hàng hóa dựa trên mức độ rủi ro của nhóm hàng hóa đó và quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để nhập khẩu hàng hóa không phù hợp, ảnh hưởng đến công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Linh, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, khi không đánh giá được điều kiện sản xuất và đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa thì với một dòng sản phẩm được phân định ra thành nhiều lô hàng trong thực tế, chất lượng của các lô hàng khác nhau là khác nhau và không thể xem như có tính chất đồng nhất. Việc đánh giá chất lượng từng lô hàng dựa trên nguyên tắc xác xuất thống kê (AQL) và kết quả đánh giá chỉ được xem là đủ tin cậy với chính lô hàng đó, không áp dụng được với lô hàng khác.

Do đó, không thể gắn lô hàng của doanh nghiệp này với lô hàng của doanh nghiệp khác. Hơn nữa việc kiểm tra chất lượng hàng hóa gắn với doanh nghiệp để làm căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu đó là của doanh nghiệp nào nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu, điều này cũng phù hợp với quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu tại khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: “Chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu”, TS. Linh cho hay.

Dự thảo Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Văn phòng Chính phủ cùng các bộ rà soát trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bảo Anh

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ