SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao NSCL ngành Xây dựng: Dấu ấn từ Chương trình 712

[20/11/2020 09:59]

Từ những dự án, hoạt động chuyên sâu triển khai trong khuôn khổ Chương trình 712, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng đã được hỗ trợ các giải pháp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều hoạt động về năng suất chất lượng được triển khai

Là một dự án thành phần nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Xây dựng”do Bộ Xây dựng chủ trì đã được Bộ KH&CN thẩm định từ tháng 2/2012.

Trong khuôn khổ dự án, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành xây dựng, Bộ Xây dựng thường xuyên triển khai việc tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức liên quan đến việc nâng cao năng suất, chất lượng cho các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, Bộ ngành và các doanh nghiệp,…thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo hướng dấn thực hiện như Luật, Nghị định, Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… tại khắp các vùng, miền trong cả nước.

Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, soát xét lại các hệ thống quy trình nhằm nâng cao năng suất lao động, năng suất dây chuyền công nghệ. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho lĩnh vực vật liệu xây dựng; Đẩy mạnh quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng bằng quy định đánh giá chứng nhận hợp quy (có 10 nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng nhóm 2, với tổng số 60 chủng loại sản phẩm, hàng hóa được quy định phải đánh giá chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2014/BXD); hoàn thiện hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng để đóng góp cho tăng cường chất lượng công trình xây dựng…

Ngoài ra, trong Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” (dự án 1 của Chương trình 712) theo lĩnh vực được phân công, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Đến nay đã có hơn 700 QCVN được ban hành, trong đó Bộ Xây dựng đóng góp 21 QCVN.

Không dừng lại ở đó, dự án do Bộ Xây dựng chủ trì còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Điển hình như Dự án “Nghiên cứu, chế tạo dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 200.000m3 /năm” do Tổng công ty Viglacera thực hiện, dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị đồng bộ sản xuất clinker nhà máy xi măng 2.500T/ ngày, thay thế ngoại nhập”…

Bước nhảy vọt lớn

Trong giai đoạn 2016-2019 (giai đoạn các dự án của Chương trình 712 được triển khai mạnh mẽ, có nhiều thành tựu nổi bật), Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều đóng góp trên mọi lĩnh vực hoạt động, mục tiêu mà Chương trình 712 đề ra.

Cụ thể, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/4/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 299/QĐ-BXD phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020”. Mục tiêu chung là xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành vật liệu xây dựng. Tạo bước chuyển rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành xây dựng và kinh tế - xã hội đất nước.

Về mục tiêu cụ thể, Bộ Xây dựng kỳ vọng đến năm 2020 sẽ tập trung nâng cao năng suất và chất lượng 4 nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu là xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng.

Đồng thời, đầu tư nâng cao năng lực 3 phòng thử nghiệm vật liệu đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; hình thành và duy trì hoạt động 1 trang thông tin điện tử về năng suất, chất lượng – nơi giới thiệu, chia sẻ thông tin, kiến thức và sinh hoạt của mạng lưới năng suất và chất lượng sản phẩm; đào tạo 100 chuyên gia về năng suất, chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng tối thiểu 4 mô hình điểm (mỗi nhóm sản phẩm tối thiểu 1 mô hình) làm cơ sở để tuyên truyền, vận động, phổ biến cho các cơ sở sản xuất khác học tập, áp dụng.

Nhờ áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng đã được nâng lên rõ rệt. Ảnh minh họa 

Để các mục tiêu này được thực hiện có hiệu quả, Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chức năng thuộc Bộ. Các nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến tập huấn, phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng tài liệu, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, giới thiệu, phổ biến tới các doanh nghiệp 5 hệ thống quản lý có năm xuất bản mới nhất (ISO 9001; ISO 14001; ISO 50001; OHSAS 18001; ISO/IEC 1725), 8 công cụ cải tiến (5S, QCC, Six sigma, TQM, KPI, TPM, Kaizen, Lean); tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị…

Nhờ sự vào cuộc quyết tâm của các cơ quan, đơn vị trong ngành xây dựng cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía Bộ KH&CN, dự án thành phần do Bộ Xây dựng chủ trì đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong giai đoạn 2016-2019.

Cụ thể, vào năm 2018, Bộ Xây dựng đã xây dựng 117 dự thảo TCVN, tham gia khóa học tập kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia tại Nhật Bản do Bộ KH&CN tổ chức. Tham gia đàm phán để ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về vật liệu xây dựng trong khu vực ASEAN.

Giai đoạn này cũng chứng kiến sự bứt phá của doanh nghiệp ngành xây dựng được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất. Trong đó, nổi bật nhất là trường hợp Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu (áp dụng Lean, 5S, Kaizen). Chỉ sau 4 tháng triển khai, năng suất lao động tại xưởng thí điểm đã tăng đột biến, sản lượng tăng từ 19000 sản phẩm/ca lên 23000 sản phẩm/ca, tăng 20-25% năng suất lao động. Người lao động trong công ty đã được nâng cao nhận thức về môi trường làm việc, 5S, Lean, Kaizen và an toàn lao động; cơ chế đánh giá hiệu quả lương thưởng.

Năm 2019, theo thống kê của Bộ KH&CN, đã có tới 270 TCVN do Bộ, ngành xây dựng đã được chuyển cho Bộ KH&CN thẩm định. Trong đó, Bộ Xây dựng có 35 TCVN.

Đánh giá chung về những kết quả từ dự án năng suất chất lượng do Bộ Xây dựng chủ trì, Ban điều hành Chương trình 712 cho rằng, dự án của Bộ Xây dựng đã bám sát các mục tiêu đề ra, tạo sự thay đổi lớn về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành xây dựng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của ngành và nền kinh tế Việt Nam.

Phong Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài