SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ 'ép' dừa ra quả sáp

[30/11/2020 14:26]

Quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi đã được các nhà khoa học Việt hoàn thiện và làm chủ, cho tỷ lệ quả sáp cao.

Dừa được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy phôi. Ảnh: BH.

Quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp với công suất 10.000 cây giống/năm do nhóm nghiên cứu Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng là Chủ nhiệm. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ.

Công nghệ này có ưu điểm chỉ sử dụng một môi trường duy nhất từ khi đưa phôi vào nuôi cấy đến khi mang cây con ra khỏi ống nghiệm và đưa ra vườn ươm. Đồng thời rút ngắn thời gian nuôi cấy phôi từ phòng thí nghiệm ra ngoài vườn ươm, điều này loại bỏ được yếu tố thời vụ do thực hiện trong phòng thí nghiệm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, thiên tai... nên chủ động được việc tạo giống.

Việc xây dựng thành công quy trình có ý nghĩa lớn trong việc nâng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn quả. Trong cơm dừa Sáp có chứa một hàm lượng Galactomanan cao hơn 2-8 lần so với dừa thường. Năm 2010 TS Maria Judith Rodriguez đã nghiên cứu chiết xuất được galactomanan từ dừa sáp, ứng dụng sản xuất sản phẩm với tên gọi là "Mak gum". Đây là sản phẩm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (màng bao thực phẩm), dược phẩm (màng bao thuốc, gạc bao vết thương, thành phần trong các gel agarose, polyacrylamide) và mỹ phẩm. Do đó một quả dừa Sáp có giá bán từ 150.000 – 250.000 đồng, cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa Ta, Dâu.

Thông thường nếu dùng phương pháp ươm từ quả truyền thống thì cây dừa Sáp chỉ cho 25% quả sáp/buồng, tức là buồng dừa có 10 quả chỉ có 2 – 3 quả là dừa sáp, 7-8 quả còn lại là quả dừa bình thường. Với phương pháp nuôi cấy phôi thì cây dừa sáp cho 70% - 100% quả sáp/buồng.

TS Hồng cho biết, trong 3 năm thực hiện dự án, Công ty Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào đã sản xuất hơn 7.500 cây dừa Sáp trong giai đoạn phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn 3 – 4 lá; và sản xuất hơn 6.500 cây dừa sáp nuôi cấy cứu phôi ở vườn ươm đạt tiêu chuẩn xuất vườn 5 – 6 lá. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được 5 ha mô hình trồng dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Mô hình 1 ha vườn dừa trưởng thành trồng trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn cây thích nghi tốt về sinh trưởng cũng như phát triển. Năng suất trái sáp đạt 45 – 57 trái/cây/năm chiếm tỉ lệ trái sáp/cây đạt từ 75,4 – 86,7%. Trái sáp to, khối lượng trái đạt 1.750 g/trái, dạng trái đặc, xốp chiếm tỉ lệ cao 89,8%.

Dừa nhân giống bằng nuôi cấy cứu phôi cho tỷ lệ trái sáp cao trên mỗi buồng. Ảnh: BH.

Theo TS Hồng, việc nghiên cứu thành công giúp cho việc sử dụng hiệu quả vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn để trồng giống dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa Sáp có giá trị cao trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hàng trăm ngàn lao động được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tránh tình trạng di dân vào các thành phố lớn thông qua việc trồng và chế biến các sản phẩm dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi.

Bên cạnh đó, nguồn cung cấp giống hiện nay đang khan hiếm mà sản phẩm dừa Sáp đang rất được thị trường ưa chuộng nên nhu cầu nguồn cây giống rất lớn. Diện tích đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn chiếm rất nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngày càng gia tăng do hiện tượng xâm nhập mặn bởi mực nước biển ngày càng dâng cao nên đây hứa hẹn là vùng trồng nguyên liệu dừa Sáp lớn của Việt Nam.

Hiện nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình được hoàn thiện từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến giai đoạn thích nghi, sinh trưởng khỏe ở vườn ươm trên quy mô công suất sản xuất 10.000 cây/năm. Đồng thời, phát triển trồng dừa sáp nuôi cấy cứu phôi trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn sẽ tận dụng được quỹ đất hạn chế về dinh dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đất nhiễm phèn, nhiễm mặn tại Tp. HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu dừa sáp phục vụ cho công nghiệp chế biến các sản phẩm cao cấp về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững cho khu vực, phù hợp với môi trường và điều kiện biến đổi khí hậu.

Bảo Chi

 

 

vnexpress.net (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài