SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cải thiện năng suất: Vấn đề ‘sống còn’ đối với quốc gia đang phát triển

[01/03/2021 09:19]

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ảnh minh họa

“Bức tranh” năng suất Việt Nam

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua tương đương năm 2019 vào khoảng 8.062 USD/người. Đứng thứ 122 trên thế giới. Mặc dù đã tăng bậc từ 127 lên 122 nhưng nhìn chung GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp khá nhiều so với mức bình quân của ASEAN-5 (là 13.988 USD).

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được do sự cải thiện năng suất lao động và gia tăng các yếu tố đầu vào. Việt Nam đang có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất ở khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở châu Á trong vòng thập kỷ qua. Trong khi các nước đang phát triển như Thái Lan, Philippines, Indonesia đang duy trì một tốc độ tăng năng suất vừa phải, còn các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang có tốc độ chậm lại thì Việt Nam có một tốc độ tăng năng suất nổi bật.

Mặc dù dẫn đầu về tốc độ tăng NSLĐ và sau 2 thập kỷ, NSLĐ của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, khoảng cách với các nước đã được thu hẹp đáng kể nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp ở khu vực Châu Á.

Cải thiện NSLĐ vẫn tiếp tục là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đặt ra mục tiêu tăng NSLĐ bình quân trên 7%/năm giai đoạn từ 2021-2025 và tăng trên 7,5%/năm giai đoạn 2026-2030 là một thách thức lớn và cần các giải pháp thúc đẩy năng suất toàn diện. 

Giải pháp cải thiện năng suất 

Theo bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, trong giai đoạn sắp tới để cải thiện năng suất Việt Nam cần chú trọng đến một số nhiệm vụ như: Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng chính sách hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để phối hợp triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động đào tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao năng suất của doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chia sẻ thông tin, dữ liệu về ứng dụng các tiến bộ công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, chuyên gia năng suất, năng suất quốc gia, năng suất doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thử nghiệm các tiến bộ công nghệ, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất. Xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu và tư vấn về năng suất; Triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất; Nâng cao năng lực của các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất

Thứ ba, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. Tăng cường triển khai đề án và các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia bao gồm: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển thị trường khoa học, công nghệ và các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia khác để ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp.

Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất của tập đoàn, tổng công ty gắn với định hướng, chiến lược, chính sách phát triển chung của tập đoàn, tổng công ty; hình thành phong trào thi đua năng suất trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty; thực hiện vai trò dẫn dắt của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển phong trào năng suất tại Việt Nam. 

Xây dựng hệ thống đánh giá năng suất trong các tập đoàn, tổng công ty thông qua hệ thống các chỉ tiêu năng suất; tổ chức đánh giá định kỳ các hoạt động cải tiến năng suất; đưa các chỉ tiêu năng suất vào hoạt động thi đua năng suất trong tập đoàn, tổng công ty.

Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt, mô hình quản trị, mô hình quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số.

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp thông qua tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, cải tiến quy trình công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, tiên tiến; các chương trình nâng cao năng lực quản trị trong các doanh nghiệp ;áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất, phù hợp với trình độ sản xuất của  doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

Thúc đẩy hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới góp phần vào nâng cao năng suất.

Hà My

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ