SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một mô hình ứng dụng trong chuyển đổi từ chính phủ điện tử tới chính phủ số

[24/09/2021 15:26]

Ngày nay, sự phát triển của mạng không dây (3G, 4G) đã tạo ra nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong truy cập Internet để sử dụng các dịch vụ của Chính phủ mọi lúc, mọi nơi. Điều này yêu cầu Chính phủ cần phải thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ sao cho nhanh nhất, tiện dụng nhất tới người dân và doanh nghiệp. Sự hình thành một Chính phủ số (D-Gov) kế tiếp Chính phủ điện tử (E-Gov) đã diễn ra trên thế giới và chắc chắn sẽ diễn ra tại Việt Nam trong tương lai gần. Tuy là thế hệ tiếp theo của E-Gov nhưng D-Gov vẫn có các đặc thù riêng về công nghệ, từ hạ tầng, bảo mật, ứng dụng cho đến phương thức quản lý. Thông qua việc nghiên cứu về kiến trúc tổng thể, bài báo đề xuất một mô hình ứng dụng chuyển đổi trong D-Gov phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tránh được sự đầu tư trùng lắp không cần thiết trong việc triển khai cơ sở hạ tầng và tích hợp các dịch vụ.

Sự khác biệt giữa D-Gov và E-Gov

Nếu E-Gov coi công nghệ là một giải pháp để số hóa các quy trình nghiệp vụ truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính phủ, thì ngược lại, D-Gov coi công nghệ là thứ yếu để tập trung tìm kiếm các nhu cầu của người sử dụng bằng việc tái thiết kế và tái kỹ thuật lại các quy trình, dịch vụ. Quá trình số hóa này luôn đi cùng với việc các cơ quan chính phủ khi ban hành một quy trình thực hiện dịch vụ công cần phải tính tới việc số hóa quy trình đó.

Theo OECD, đến nay, các hình thái Chính phủ đã trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là Chính phủ truyền thống, chủ yếu tập trung vào xử lý các quy trình nội bộ, không tự động hóa và khép kín; giai đoạn thứ 2 là E-Gov: minh bạch hóa các quy trình, thủ tục nhờ việc ứng dụng CNTT và truyền thông vào quá trình quản lý, điều hành Chính phủ; giai đoạn 3 là D-Gov: giai đoạn Chính phủ mở, thông qua chuyển đổi các quy trình điều hành, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Quá trình chuyển đổi từ E-Gov sang D-Gov không chỉ đơn giản là việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các hoạt động của Chính phủ, mà còn là bước phát triển trong việc xem xét các nhu cầu của người dân khi tham gia vào lĩnh vực công với tư cách là người tham gia thay vì chỉ với tư cách là người thụ hưởng. Điều này có nghĩa là, D-Gov không đưa ra những giả định về nhu cầu của người dân và doanh nghiệp theo hướng từ trên xuống, mà trao quyền cho họ khi làm việc với các cơ quan nhà nước để hai bên cùng hiểu những nhu cầu đó, cũng như hợp tác để giải quyết nhu cầu.

Đề xuất mô hình ứng dụng trong chuyển đổi từ E-Gov sang D-Gov

Mô hình ứng dụng chuyển đổi từ E-Gov sang D-Gov được chúng tôi nghiên cứu và đề xuất dựa trên kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Mỹ (Federal Enterprise Architecture Framework - FEAF) tích hợp với công nghệ điện toán đám mây.

Điện toán đám mây là mô hình truy cập mạng thuận tiện, theo yêu cầu chia sẻ nguồn tài nguyên máy tính đã được cấu hình (ví dụ: mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ) có thể được cung cấp và đưa vào sử dụng nhanh chóng với chi phí quản lý ít nhất bằng cách thông qua các dịch vụ của nhà cung cấp.

Các “Service-based” - hình bầu dục được sử dụng bởi “khách hàng thuê điện toán đám mây”, các “Resource-based” - hình chữ nhật hỗ trợ các thành phần “Service-based” [6]. Hai thành phần trên được tổ chức dưới 3 thành phần chính tạo nên điện toán đám mây, đó là: SaaS, PaaS và IaaS. Trong đó, SaaS là nơi cung cấp các phần mềm dịch vụ, PaaS cung cấp nền tảng dịch vụ và IaaS là cơ sở hạ tầng của dịch vụ điện toán đám mây. Các ứng dụng hoạt động trên SaaS của điện toán đám mây sẽ cho phép cả máy tính và thiết bị di động truy cập. Các định dạng khác của điện toán đám mây là PaaS và IaaS, mỗi định dạng này đều có kiến trúc và ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc ứng dụng của một tổ chức.

Sở dĩ, chúng tôi sử dụng FEAF để thiết kế mô hình ứng dụng này là do Kiến trúc E-Gov Việt Nam 2.0 đã áp dụng khung FEAF. Một trong những phương pháp thiết kế khung kiến trúc tổng thể là phát triển khung hiện tại thành khung tương lai dựa trên tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức cần hướng tới trong tương lai. Phương pháp này đã được các nước tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Anh… sử dụng để nâng cấp các phiên bản khung kiến trúc tổng thể E-Gov của mình. Trên quan điểm đó, chúng tôi nhận thấy để từ E-Gov tới D-Gov thì thành phần thay đổi chính sẽ là mô hình ứng dụng, chuyển hóa những ứng dụng trên máy tính sang ứng dụng di động. Và từ sự thay đổi về mô hình ứng dụng dẫn tới sự thay đổi về mô hình công nghệ và mô hình bảo mật, an toàn thông tin. Mô hình cho phép người dùng sử dụng máy tính và các thiết bị di động như PDA, máy tính bảng và điện thoại thông minh có trình duyệt web di động hoặc ứng dụng di động được cài đặt để truy cập hệ thống D-Gov thông qua các dịch vụ truy cập internet SIM 3G, 4G (tương lai là 5G). Các nhà cung cấp dịch vụ này đã được tích hợp các cổng proxy không dây, cổng tin nhắn, cổng hệ thống dựa trên vị trí (LBS) và các nền tảng dịch vụ chung. Sau khi qua hệ thống bảo mật kết nối, xác thực người dùng, mã hóa và các hệ thống bảo vệ, người sử dụng sẽ đăng nhập vào các ứng dụng trung gian như hệ thống thanh toán di động, hóa đơn di động, đây là những dịch vụ đóng vai trò cầu nối để thực hiện các dịch vụ công khác của chính phủ di động trong lĩnh vực đào tạo, y học, giao thông… Tất cả các ứng dụng này được giao tiếp với các cổng di động truyền thống và các dịch vụ tập trung vào các nhà cung cấp mạng viễn thông. Khung cũng đưa ra phương thức sử dụng các công nghệ mới như ứng dụng trên nền điện toán đám mây dựa trên IaaS, PaaS và SaaS. Ngoài ra, các ứng dụng di động được thiết kế tập trung trên SaaS sẽ tiết kiệm chi phí cho dịch vụ và bảo trì, đồng thời dễ tích hợp với các ứng dụng E-Gov cung cấp trên nền tảng đám mây.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Phạm Hải Sơn, Hà Thị Phương Thảo Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 09 năm 2021 (trang 24-26)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ