SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng và vai trò của chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm: Nghiên cứu trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam

[24/09/2021 15:36]

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 5/2019 thông qua phỏng vấn 105 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo chứng nhận VietGAP tại tỉnh Sóc Trăng. Nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng và hiệu quả thực hành chứng nhận trong quản lí dịch bệnh và chất lượng tôm nuôi.

Ảnh minh họa: Internet

Ngành thủy sản có vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Năm 2018, ngành thủy sản cung cấp hơn 4,3 triệu tấn và đạt giá trị xuất khẩu gần 9 tỉ đô la Mĩ. Các sản phẩm chế biến từ cá tra, tôm được xuất khẩu và tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới. Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành sản xuất tôm biển đã phát triển một cách mạnh mẽ, cung cấp từ 47.100 tấn năm 1995, tăng lên 762.000 tấn năm 2018. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nuôi tôm thương phẩm trọng điểm của cả nước, chiếm 93% tổng diện tích nuôi và 82% tổng sản lượng tôm nuôi. Nghề nuôi tôm bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỉ XX với các mô hình như quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh. Để đáp ứng nhu cầu tôm trên thị trường thế giới ngày càng tăng, mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng đã được áp dụng ở những hộ nuôi quy mô nhỏ ở ĐBSCL. Việc phát triển tự phát và mất kiểm soát mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã dẫn đến những vấn đề đáng lưu ý như sự bùng phát dịch bệnh, việc sử dụng hóa chất và thuốc mất kiểm soát. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo và từng bước hỗ trợ người nuôi tôm sản xuất theo các chứng nhận thủy sản như VietGAP, ASC, BAP.

Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP còn gặp nhiều khó khăn khi mục tiêu chính của tiêu chuẩn VietGAP không phải tạo ra giá trị về tài chính mà tập trung vào quản lí sức khỏe tôm nuôi, an toàn thực phẩm, môi trường xã hội và truy xuất nguồn gốc. Hơn thế, VietGAP là một tiêu chuẩn quốc gia nằm trong hệ thống ASEAN-GAP, mỗi một phiên bản GAP của các nước thành viên sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc hữu của mỗi nước. Chính vì thế, tiêu chuẩn VietGAP chưa được công nhận trên thị trường thế giới và khách hàng tiêu dùng quốc tế không sẵn sàng chi trả thêm cho một chứng nhận quốc gia. Đây là lí do chính mà nhiều người nuôi tôm không có động lực để áp dụng VietGAP. Như vậy, liệu việc ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP cho tôm nuôi có cần thiết và hiện trạng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm hiện nay như thế nào? Xuất phát từ yêu cầu trên, nghiên cứu Hiện trạng và vai trò của chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm: nghiên cứu trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam được thực hiện.

VietGAP là một chương trình quản lí dịch bệnh và chất lượng khá hiệu quả cho người nuôi. Tiêu chuẩn VietGAP đã được địa phương khuyến khích từ năm 2013. Hiện tại, hơn 30% diện tích và số hộ nuôi tôm của tỉnh được tổ chức và quản lí hiệu quả trong các HTX/THT. Một số điểm kiểm soát được người nuôi thực hành khá tốt, đặc biệt là việc xây dựng ao lắng với diện tích phù hợp, các công trình phụ đạt chuẩn, tôm giống được kiểm dịch và thả nuôi với mật độ thích hợp, sử dụng thuốc hóa chất theo đúng hướng dẫn và thực hiện ghi chép nhật kí đầy đủ. Việc làm này giúp người nuôi hạn chế được dịch bệnh phát sinh, nhất là những bệnh nguy hiểm, từ đó, hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Việc sử dụng thuốc/hóa chất theo đúng hướng dẫn của VietGAP, không sử dụng kháng sinh, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm tôm rõ rệt, 98% lô hàng tôm xét nghiệm đạt chuẩn xuất khẩu. Từ đó, nông dân được nhận thêm từ hai đến năm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, tỉ lệ HTX/THT đạt được chứng nhận VietGAP còn khá thấp do nông dân không có đủ động lực về mặt tài chính để thực hiện cũng như thiếu các hỗ trợ cho chi phí kiểm toán. Như vậy, dù không mang lại lợi ích kinh tế một cách trực tiếp, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tổ chức sản xuất tốt hơn cho nông hộ quy mô nhỏ dưới hình thức HTX/THT và nâng cao năng lực sản xuất, tạo tiền đề nâng cấp chứng nhận quốc tế ASC.

 Để làm được điều này, nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ cần được tái cơ cấu tổ chức kinh tế tập thể bằng cách khuyến khích, tuyên truyền và vận động nông dân tham gia vào các HTX/THT. Các HTX/THT cần nâng cao năng lực quản lí và phát huy vai trò của mình. Các HTX/THT cần kết hợp với các cơ quan chuyên ngành liên quan tổ chức tập huấn và khuyến khích ứng dụng VietGAP. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh kêu gọi tài trợ, hỗ trợ từ các dự án, chương trình quốc gia và quốc tế trong việc đẩy mạnh ứng dụng VietGAP, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và nhận thức người dân, tiến tới nâng cấp nuôi tôm theo các chứng nhận quốc tế.

nnttien

Tạp chí khoa học trường ĐH Trà Vinh, Số 37/2020
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài