SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát điều kiện trích ly và tinh sạch lectin từ đậu ma (Pueraria phaseoloides) bằng sắc ký ái lực

[25/02/2022 23:41]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định điều kiện trích ly và tinh sạch lectin từ đậu ma Pueraria phaseoloides.

Đậu ma có tên khoa học là Pueraria phaseoloides là cây thuộc họ đậu, mọc hoang ở các khu rừng thưa hay chỗ trống, bờ suối, ven đường đi, trên đất cát sét với đặc điểm sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh và có khả năng chịu được hạn ngắn. Ở nước ta, do đặc tính hạt nhỏ, ít tinh bột, cảm quan không cao nên đậu ma chỉ được sử dụng như một nguồn thức ăn chăn nuôi, dùng cải tạo đất, dùng ủ phân vi sinh hoặc sử dụng lá trị một số bệnh ngoài da. Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu, trong thành phần ở cây đậu ma, đặc biệt là hạt chứa một lượng lớn lectin với hoạt tính sinh học cao nhưng chưa được khai thác.

Lectin là protein chứa ít nhất một trung tâm hoạt động, có khả năng tương tác đặc hiệu với mono, oligo-saccharide nằm trên bề mặt tế bào mà không làm thay đổi cấu trúc carbohydrate được liên kết. Lectin khá phổ biến trong thực vật, đặc biệt, 90% loại đậu của Việt Nam có chứa lectin. Khả năng ngưng kết tế bào là nổi bật nhất cho đặc tính của lectin. Với đặc tính này, một số loại lectin được sử dụng như một phương tiện nhận diện một số loài vi khuẩn gây bệnh, phát hiện đặc hiệu nhóm máu người và phát hiện thai sớm ở người. Ngoài ra, lectin còn được sử dụng nhiều trong phát hiện ung thư, các khối u ác tính và tăng miễn dịch tự nhiên. Lectin còn được ứng dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu nhờ khả năng gây độc hiệu quả đối với côn trùng. Mặc dù lectin nhận được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu trong những năm vừa qua, nhưng quá trình tinh sạch lectin chủ yếu đến từ các loại thực vật phổ biến và sử dụng các phương pháp cổ điển. Do đó, việc đưa ra một quy trình tinh sạch lectin từ nguồn nguyên liệu rẻ tiền và dễ tìm như đậu ma cần được quan tâm nghiên cứu. Vì thế, việc khảo sát điều kiện trích ly và tinh sạch lectin từ đậu ma bằng sắc ký ái lực đã được nghiên cứu.

Vật liệu nghiên cứu: Đậu ma được thu ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Hạt được thu khi đã già và cho khô tự nhiên để dùng thực hiện thí nghiệm. Giống vi khuẩn Staphylococcus sp. được lưu trữ tại phòng thí nghiệm công nghệ enzyme, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ.

Kết quả điện di các phân đoạn protein, lectin đậu ma được tủa với ammonium sulfate

Kết quả điện di các phân đoạn protein, lectin đậu ma (P. phaseoloides) sau sắc ký ái lực

Lectin đậu ma được trích ly cùng với dung dịch NaCl 0,9% ở các tỷ lệ (w/v), thời gian và nhiệt độ ủ khác nhau. Dịch chiết thô được tinh sạch bằng phương pháp tủa phân đoạn với muối ammonium sulfate, tiếp theo là sắc ký ái lực trên gel Sepharose D-galactose để cải thiện độ tinh sạch.

Kết quả cho thấy lectin đậu ma đạt hiệu quả trích ly tối ưu với hoạt tính đặc hiệu đạt là 1.579 HAA (Hemagglutination assay)/mg ở tỉ lệ với dung môi trích ly là 1:4 (w/v), tại 50oC, trong 10 phút. Dịch trích lectin đậu ma sau khi tủa phân đoạn ở nồng độ muối 40% - 50% cho hiệu suất thu hồi 35,4% với độ tinh sạch tăng 6,38 lần so với dịch trích thô; trong khi phân đoạn F1 từ sắc ký ái lực cho hiệu suất thu hồi 9,85% với độ tinh sạch tăng 16,2 lần. Kết quả điện di SDS-PAGE xuất hiện hai băng protein có khối lượng phân tử 66,0 kDa và 56,0 kDa.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 6B (2021)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài