SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng bổ sung vitamin E trong khẩu phần lên năng suất sinh sản của chim cút Nhật

[28/02/2022 15:34]

Ở Việt Nam, nghề chăn nuôi chim cút đã trở nên phổ biến và được nuôi ở các hộ chăn nuôi với các quy mô khác nhau và tốc độ phát triển không ngừng tăng cao do kỹ thuật nuôi đơn giản và ít rủi ro hơn so với các đối tượng gia cầm khác. Tuy nhiên, chim cút cũng được xem là nhóm có khả năng chịu nhiệt kém và stress nhiệt là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất đẻ của chim cút ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số nghiên cứu đã điều tra tác động tiêu cực của stress nhiệt đối với sản xuất của chim cút và đã chỉ ra rằng stress nhiệt ảnh hưởng xấu đến cả năng suất và phúc lợi của chim. Nhiệt độ môi trường cao điều hòa hiệu suất và năng suất thông qua việc giảm lượng thức ăn, giảm sử dụng chất dinh dưỡng gây ra những thay đổi rõ rệt trong các thông số sinh hóa máu và tốc độ tăng trưởng dẫn đến thiệt hại kinh tế ở gia cầm.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của bổ sung vitamin E lên năng suất và chất lượng trứng, qua đó xác định tỷ lệ vitamin E tối ưu nhất trong khẩu phần ăn dành cho cút đẻ đạt hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của bổ sung vitamin E (VitE) trong khẩu phần lên năng suất sinh sản của chim cút Nhật giai đoạn 49 - 132 ngày tuổi. Tổng số 40 chim cút mái ở 49 ngày tuổi được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức (NT) tương ứng với khẩu phần là đối chứng (ĐC): khẩu phần cơ sở (KPCS), E75: KPCS có bổ sung 75 mg VitE/kg thức ăn (TA), E100: KPCS bổ sung 100 mg VitE/kg TA và E125: KPCS bổ sung 125 mg VitE/kg TA và được lặp lại 10 lần, mỗi lần lặp lại là 1 chim cút mái.

Thí nghiệm được thực hiện trong 12 tuần từ ngày 23/12/2019 đến 15/03/2020. Kết quả phân tích cho thấy giai đoạn 105 - 132 ngày tuổi, cút có tỷ lệ đẻ và KL trứng cao nhất ở E100 (93,57% và 11,91 g), ĐC (90% và 11,58 g) và E75 (89,29% và 11,86 g) và thấp nhất ở E125 (79,44% và 10,33 g) (P < 0,05). Không có sự khác biệt về TTTA và HSCHTA giữa các NT qua các giai đoạn tuổi (P > 0,05). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các NT về KL vỏ, tỷ lệ vỏ, tỷ lệ lòng trắng và độ dày vỏ trứng (P < 0,05). Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy E75 và E100 có lợi nhuận cao hơn so với ĐC là 18,13% và 11,46%.

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể đề nghị khẩu phần có bổ sung 75 mg hoặc 100 mg VitE/kg TA giúp cải thiện năng suất trứng ở chim cút Nhật.

journal.hcmuaf.edu.vn - Số 04/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ