SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phương pháp tạo điện năng mới

[07/06/2010 07:49]

Một nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusett (MIT) đã khám phá ra một hiện tượng chưa từng được biết có thể gây ra những sóng năng lượng mạnh bắn qua các dây nhỏ bé là các ống nano cácbon. Các nhà nghiên cứu nói rằng khám phá này có thể dẫn tới một cách thức mới để sản xuất điện.

Hiện tượng này, được mô tả là các sóng nhiệt năng, “mở ra một phạm vi mới trong nghiên cứu năng lượng”, Michael Strano, Giáo sư Kỹ thuật Hóa học của MIT phát biểu. Ông cũng là tác giả của bài báo giới thiệu những phát hiện mới này đăng trên Tạp chí Nature Materials.

Giống như những đám rác  bị xô đẩy theo mặt nước bởi những con sóng trên biển, loại sóng nhiệt – xung nhiệt chuyển động - chạy theo dây dẫn cực nhỏ có thể đẩy các điện tử đi theo, tạo ra dòng điện.

Thành phần then chốt trong khám phá này là các ống nano cacbon. Trong những thí nghiệm này, mỗi ống nano dẫn nhiệt và điện được phủ một lớp nhiên liệu phản ứng cao có thể sinh nhiệt qua quá trình phân hủy. Nhiên liệu này sau đó được kích hoạt ở một đầu ống nano bằng tia lade hoặc tia lửa điện cao áp, và kết quả là sinh ra một sóng nhiệt di chuyển nhanh chạy dọc theo chiều dài của ống nano cácbon. Nhiệt từ nhiên liệu đi vào ống nano có thể truyền nhanh hơn hàng nghìn lần so với bản thân nhiên liệu. Khi nhiệt nạp trở lại lớp nhiên liệu phủ ống, sóng nhiệt được tạo ra chạy dọc theo ống nano. Với nhiệt độ khoảng 3000K, vòng nhiệt này tỏa ra dọc theo ống nano nhanh gấp 10.000 lần so với tốc độ tỏa bình thường của phản ứng hóa học này. Nhiệt được sinh ra nhờ sự cháy  đồng thời đẩy các điện tử dọc theo ống nano, tạo ra dòng điện đáng kể.

Sau khi được tiếp triển khai hệ thống của nhóm nghiên cứu đã tạo ra lượng điện, theo tỷ lệ với trọng lượng, cao hơn khoảng 100 lần so với một trọng lượng tương đương của pin ion lithium.

Do đây là khám phá mới, Michael Strano nói rằng vẫn chưa thể dự báo chính xác những ứng dụng thực tế của nó. Nhưng ông cho rằng một trong những khả năng ứng dụng là nó sẽ cho phép chế tạo những loại thiết bị điện tử siêu nhỏ mới – thí dụ như những thiết bị cảm biến chỉ nhỏ bằng hạt gạo hay thiết bị điều trị có thể đưa vào trong cơ thể người, hoặc có thể cảm biến môi trường lan tỏa như bụi trong không khí.

http://nanotechweb.org, 1/6/2010
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ