SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thắp lửa tình yêu khoa học

[16/05/2016 08:37]

Ngày hội STEM là một trong những sự kiện được tổ chức trong chuỗi sự kiện chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5. Đối tượng hướng đến đầu tiên của Ngày hội STEM là các em học sinh tiểu học, với mục tiêu thắp lửa tình yêu khoa học cho các em một cách sớm nhất. Để tìm hiểu về sân chơi khoa học STEM hiện còn mới mẻ ở Việt Nam, phóng viên đã phỏng vấn TS. Lê Xuận Định, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

PV: Xin ông cho biết mục đích tổ chức Ngày hội STEM?

- TS. Lê Xuân Định: Hiện nay, khái niệm STEM vẫn còn khá mới mẻ đối với công chúng Việt Nam. STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics). Đây là lần thứ 3 Ngày hội STEM được tổ chức với mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM và gieo niềm đam mê khoa học trong các em học sinh, đồng thời sự kiện còn hương tới một mục tiêu cụ thể là góp phần lan tỏa giáo dục STEM trong các trường phổ thông. 

STEM là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ. Theo đó, tinh thần giảng dạy tích hợp trong bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho các em học sinh sinh viên. Đó không phải là mảnh ghép rời rạc trong kiến thức của học sinh mà đây là tri thức tổng hợp, tích hợp các nội dung, giảng dạy thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày.

QLKH 1.jpg

Chủ đề Khoa học thời tiền sử - Lửa hấp dẫn học sinh

Điều quan trọng hơn trong giáo dục STEM là học sinh có vai trò của chủ thể sáng tạo. Tự học sinh thu lượm được những kiến thức, kỹ năng qua trải nghiệm thực tiễn của mình chứ không phải thu nhận thông tin một chiều. Đó là hai tinh thần xuyên suốt tạo ra tinh thần của giáo dục STEM để tất cả học sinh của chúng ta đều là chủ thể sáng tạo, có những kiến thức nền tảng bền vững cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

PV: Được biết, đây là lần thứ 3 Ngày hội STEM được tổ chức. Vậy hiệu quả ban đầu từ hoạt động này mang lại là gì thưa ông?

- Ngày hội STEM lần thứ nhất tổ chức vào tháng 5/2015 tại Hà Nội và lần thứ hai vào tháng 1/2016 tại TP. Hồ Chí Minh. Qua hai lần tổ chức, có thể thấy mỗi sự kiện đều thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh và phụ huynh, và đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Bộ KH&CN cùng nhiều cấp quản lý. 

Tại mỗi Ngày hội STEM, qua những trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm các em đã không còn thấy khoa học là tháp ngà màu xám khô khan, mà tìm thấy vẻ đẹp, sự bí ẩn kỳ thú của khoa học qua những thí nghiệm đầy màu sắc. Khoa học không còn xa xôi trong ý niệm, mà là sự thấy, nghe, sờ - chạm một cách sinh động trực quan. Khoa học không còn là sự tiếp thu bài giảng một cách thụ động, mà là sự trực tiếp tham gia trong vai trò người sáng tạo. Khoa học cũng không còn là bài giảng trên giấy, là sự tách biệt các bộ môn, mà hướng các em tới quá trình tư duy tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, trong đó gắn kết đa kỹ năng, đa lĩnh vực. 

Đồng thời trong quá trình tham gia vào các trò chơi, các em thấy hình ảnh nhà khoa học trong các anh chị hướng dẫn trẻ trung, cũng như ngay chính bản thân mình. Trong vai trò là nhà khoa học nhí, các em thấy mình nhận được sự yêu quý, trân trọng từ cả cộng đồng, bao gồm cả những người lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. 

Đối với các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, khi đến với Ngày hội STEM họ được tiếp nhận các bài trình bày giới thiệu về giáo dục STEM một cách bổ ích từ các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng có lẽ ấn tượng trực quan nhất mà họ có thể thấy chính là niềm vui, niềm đam mê được thắp lên trong ánh mắt con trẻ. Tất cả các em đều hết sức chăm chú, say mê. Rất nhiều em còn lưu luyến chưa muốn về khi thời gian dành cho sự kiện đã hết.


QLKH 2.jpg



Các em học sinh cùng làm thí nghiệm về KH&CN



PV: Vậy, thưa ông, đâu là điểm mới của Ngày hội STEM lần này? Ban Tổ chức đặt kỳ vọng gì vào Ngày hội STEM?

- Ngày hội STEM lần này có chủ đề Cỗ máy thời gian, là một cơ hội đưa các em học sinh tham gia vào một chuyến du hành trải nghiệm các bước tiến khoa học qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi lớp học của các em sẽ là một khám phá kỳ thú, từ máy bắn đá trong thời cổ đại, từ trường và nam châm thời trung đại, tới mô hình máy bay của thời kỳ hiện đại... Tất cả các lớp đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM. Ngoài các nội dung dành cho các em học sinh, Ngày hội STEM còn tổ chức một diễn đàn STEM, trong đó các chuyên gia sẽ giới thiệu, hướng dẫn, và giải đáp mọi câu hỏi của các bậc phụ huynh và những ai quan tâm về giáo dục STEM.

Ban Tổ chức mong rằng sự kiện sẽ góp phần từng bước đưa giáo dục STEM vào trong từng cơ sở giáo dục, hình thành những Câu lạc bộ STEM trong các trường. Đến với Ngày hội STEM lần này, thông qua các Talk Show, các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục sẽ có cơ hội trao đổi với các chuyên gia, các đơn vị từng có kinh nghiệm tổ chức STEM, và sẽ thấy rằng việc hình thành, phát triển các hoạt động STEM ở cơ sở, địa phương của mình là điều không hề khó khăn – STEM hoàn toàn có thể được triển khai một cách hiệu quả, giàu ý nghĩa ở mọi quy mô, điều kiện đặc thù khác nhau. 

Ban Tổ chức đặt rất nhiều kỳ vọng ở các thầy, cô, những người sẽ cùng các em học sinh tiếp tục chinh phục, khám phá những trải nghiệm học tập mỗi ngày trên tinh thần, quan điểm giáo dục STEM, giúp duy trì ngọn lửa STEM trong các em và lan tỏa rộng khắp hơn nữa. 

PV: Vậy kế hoạch dài hạn trong tương lai là gì thưa ông?

- Chúng ta có thể xác định đúng con đường cần phải hướng tới là đưa giáo dục STEM vào trong hệ thống giáo dục. Theo tôi, chuỗi sự kiện Ngày hội STEM sẽ không chỉ được tổ chức ở Hà Nội và các thành phố lớn mà sẽ trở thành một mô hình được những người ủng hộ STEM chủ động triển khai rộng khắp trên nhiều địa phương của cả nước. Sự kiện này giống như hình mẫu để có thể nhân rộng hình thành cổ vũ tinh thần giáo dục STEM trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông của mình.

QLKH 3.jpg

Các em học sinh cùng khám phá khoa học trong nông nghiệp

Đến với Ngày hội STEM, như các bạn thấy những vấn đề sáng tạo và trình diễn khoa học bằng những vật liệu rất đơn giản ở đâu cũng kiếm được. Vấn đề cốt lõi là giáo viên có đưa nội dung đó vào giảng dạy tại nhà trường hay không, chứ không phụ thuộc vào đó là thành phố hay vùng sâu vùng xa. Tôi tin rằng khi chúng ta nâng cao nhận thức của giáo viên thì sẽ truyền được đam mê STEM cho học sinh. 

PV: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. KH&CN được xác định là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Ông có thể chia sẻ định hướng phát triển khoa học của Việt Nam trong tương lai?

- Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, ai có tri thức người đó có ưu thế trong hoạt động của mình. Đất nước ta muốn trở thành một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chắc chắn phải có một lực lượng khoa học mạnh, đóng góp thiết thực cho hoạt động KH&CN. 

Với cách tiếp cận như vậy, chúng tôi cho rằng nhiệm vụ của mình là phải tạo được niềm đam mê khoa học cho học sinh ngay từ nhỏ, để thấy rằng khoa học không phải là những gì xa vời, khoa học là những gì mà có thể cải biến được thế giới giúp ích được mọi người xung quanh. Để từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi trong môi trường được đào tạo chuyên sâu hơn ở trường đại học các em học sinh có một  tinh thần khởi nghiệp, đem sáng tạo của mình thành những hành động cụ thể, thành những công ty khởi nghiệp để có thể phát triển. Sau đó, ai có những niềm đam mê mạnh mẽ hơn nữa sẽ theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Và nếu như vậy chúng ta sẽ có một dòng chảy tri thức luôn luôn được vun đắp. Lúc đó tôi tin rằng đất nước sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ