SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học xã hội tham gia giải bài toán kinh tế

[17/05/2016 15:31]

Không chỉ đưa ra giải pháp tháo gỡ các vấn đề then chốt như nợ công, đầu tư công trong mô hình tăng trưởng bền vững của Việt Nam tương lai, chương trình KX.01 cũng nghiên cứu giải quyết vấn đề phát triển cụm ngành công nghiệp, thể chế kinh tế vùng.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Nam - Chủ nhiệm chương trình “Nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020” - giai đoạn 2011-2015 (KX.01/11-15), tuy kinh phí không lớn, số đề tài không nhiều nhưng chương trình đã có những đóng góp đáng ghi nhận.

Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của chương trình trong giai đoạn 2011-2015?

5 năm qua, chương trình đã nghiên cứu những vấn đề cấp bách nhất về kinh tế và quản lý kinh tế như: Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới, cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA khác. Chương trình tìm giải pháp cho các vấn đề nợ công, đầu tư công, phát triển cụm ngành công nghiệp, thể chế kinh tế vùng…

Nếu nói về những tác động cụ thể của chương trình với đời sống, ông muốn nhấn mạnh điều gì?

Khó có thể khẳng định một chương trình nghiên cứu khoa học về kinh tế và quản lý kinh tế có tác động ngay đối với đời sống xã hội. Việc áp dụng giải pháp và kiến nghị vào thực tiễn còn có một khoảng cách và phụ thuộc nhiều yếu tố.

Nhưng một tác động dễ nhận thấy là báo cáo chắt lọc của các đề tài đã được các cơ quan hoạch định chính sách chấp nhận xem xét để đưa vào thực tiễn, ví dụ báo cáo về TPP, FTAs, về quản lý nợ công và các vùng kinh tế… Nếu xem xét kỹ từng vấn đề của các đề tài đã được nghiệm thu, ta sẽ thấy ác động rất lớn của chương trình đối với đời sống kinh tế - xã hội.

Theo ông, chương trình cần khắc phục điều gì để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tới?

Hai khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề xét duyệt đề tài và thủ tục thanh - quyết toán. Việc duyệt đề tài tiến hành chậm, số đề tài không đủ lớn để thực hiện tất cả các mục tiêu và nội dung nghiên cứu do chương trình đặt ra. Việc thanh toán kinh phí cho các đề tài rất chậm do quy định về tài chính, kế toán vẫn còn khá phức tạp và khó áp dụng trong thực tiễn.

Thời gian tới, cơ chế khoán tài chính trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu sẽ được áp dụng. Đây là tín hiệu tốt giúp khắc phục vấn đề kể trên.

Theo ông, lý do nào khiến chương trình KX.01 cần được tiếp tục triển khai?

Kết quả của KX.01/11-15 - cụ thể là những đề xuất giải pháp - sẽ là kênh thông tin tốt để các cơ quan hoạch định chính sách có đề xuất áp dụng vào thực tiễn. Điều này chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.

Các ấn phẩm của chương trình sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các vấn đề kinh tế và quản lý kinh tế, không chỉ cho giới khoa học mà còn đến cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thông qua một số vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua như Việt Nam tham gia TPP hay gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ