SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

KH&CN: Phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

[20/05/2016 14:45]

Chiều ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết các Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) của Bộ giai đoạn 2010 - 2015 và phương hướng hoạt động đến năm 2020. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Kế hoạch tổng hợp, Khoa học xã hội và tự nhiên - Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách KH&CN thuộc các Vụ, các Phòng của các đơn vị trực thuộc Bộ, cùng nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò quan trọng và then chốt của KH&CN trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, được thể hiện trong nhiều văn kiện, Nghị Quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và đã được triển khai cụ thể trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, các Bộ, ngành liên quan, trong giai đoạn 2010-2015, hoạt động KH&CN của Bộ TN&MT đã được tăng cường, đẩy mạnh đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản; dự báo, cảnh báo thiên tai; hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT, cũng như giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn của Bộ và của ngành.

QLKH 1.jpg

Ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ KH&CN báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tổng hợp kết quả 07 Chương trình KH&CN cấp Bộ giai đoạn 2010-2015, ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, ngày 24/7/2009, Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Khung 07 Chương trình nghiên cứu KH&CN cấp Bộ thuộc 07 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2010 – 2015, cụ thể là: Lĩnh vực đất đai: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hài hòa giữa các lợi ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ môi trường”; Lĩnh vực tài nguyên nước: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên nước quốc gia đáp ứng nhu cầu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”; Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, đánh giá giá trị kinh tế khoáng sản và bảo tồn di sản địa chất phục vụ phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2010-2015”; Lĩnh vực môi trường: “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015”; Lĩnh vực khí tượng thủy văn: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và phục vụ về khí tượng thủy văn ở các địa phương giai đoạn 2010-2015”;Lĩnh vực biển và hải đảo: "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam giai đoạn 2010-2015”; Lĩnh vực đo đạc bản đồ: “Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đo đạc - bản đồ, viễn thám đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều tra cơ bản, giám sát TN&MT phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2010-2015”. 

Trên cơ sở kế thừa các kết quả KH&CN trước đây cũng như tiếp thu nhiều KH&CN mới trong khu vực và trên thế giới, hoạt động KH&CN của Bộ đã có nhiều đổi mới tích cực đóng góp trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch của ngành; trong việc áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các đề án, dự án điều tra cơ bản, đánh giá về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; góp phần hoàn thiện, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ; mang lại nhiều kết quả thiết thực qua hợp tác với nước ngoài theo các hình thức song phương và đa phương,…

Về định hướng hoạt động KH&CN cấp Bộ giai đoạn tới, ông Nguyễn Đắc Đồng cũng cho biết, Bộ sẽ tập trung triển khai nghiên cứu Khung 08 Chương trình thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2016-2020.

QLKH 2.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng hoạt động KH&CN của Bộ trong thời gian qua; các định hướng, giải pháp phát triển và đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN về TN&MT trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tập trung vào việc đổi mới cơ chế thực hiện, đánh giá kết quả, chuyển giao và sử dụng các kết quả nghiên cứu, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản về TN&MT; đẩy mạnh việc đề xuất đặt hàng, tổ chức nghiên cứu các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành, các nghiên cứu có tác động lớn đến phát triển của ngành TN&MT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở TN&MT địa phương trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, áp dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, đào tạo với các Viện nghiên cứu, Trường đại học trong nước và quốc tế nhằm huy động tối đa tiềm lực trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kết quả nghiên cứu;…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các đại biểu về những vấn đề quan tâm trong hoạt động KH&CN của Bộ TN&MT. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn, tập trung bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung trong hoạt động KH&CN của Bộ. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KH&CN trong lĩnh vực TN&MT trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đơn vị cần triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm như: Một là, tổ chức hoạt động nghiên cứu KH&CN từ năm 2016 theo mục tiêu, nội dung của 08 Chương trình KH&CN cấp Bộ đã được phê duyệt. Vụ KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương xây dựng, trình lãnh đạo Bộ xem xét, sửa đổi cơ chế quản lý, thẩm định, đánh giá kết quả, chuyển giao ứng dụng các sản phẩm đề tài KH&CN của Bộ theo hướng đổi mới. Hai là, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh Chiến lược phát triển các Viện, trình Bộ trưởng phê duyệt trong quý III năm 2016; tổ chức phối hợp triển khai đồng bộ Chiến lược của các tổ chức KH&CN thuộc Bộ TN&MT; trong đó, hoạt động nghiên cứu KH&CN của các Viện phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động quản lý nhà nước các lĩnh vực của Bộ. Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN; tăng cường đào tạo các cán bộ KH&CN đầu ngành cho tất cả các lĩnh vực của Bộ, hình thành các nhóm nghiên cứu đủ mạnh, đủ năng lực để đề xuất, tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính đột phá, liên vùng, liên ngành, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách động viên, khuyến khích trong tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Bốn là, tổ chức rà soát và có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật của ngành. Năm là, tiếp thu các ý kiến tham luận của Hội nghị nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác nghiên cứu KH&CN của Bộ, tăng cường hiệu quả hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT.

“Triển khai quyết liệt những nhiệm vụ tại Khung 08 Chương trình KH&CN cấp Bộ giai đoạn 2016–2020 đã được phê duyệt và những giải pháp nêu trên, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được những chuyển biến rõ rệt hơn trong hoạt động KH&CN của Bộ, nâng cao vai trò đóng góp của KH&CN trong công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước.” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Khung 08 Chương trình KH&CN cấp Bộ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT giai đoạn 2016-2020:

Lĩnh vực quản lý đất đai: Tập trung xác lập cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều tra cơ bản đất đai; giám sát sử dụng đất đảm bảo quản lý đất đai hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường; cung cấp cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật công nghệ phục vụ quản lý đất đai theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;

Lĩnh vực tài nguyên nước: Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, công cụ mô hình toán, tự động hóa và cải tiến công nghệ trong điều tra, đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; biện pháp trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hội nhập với quốc tế và khu vực về địa chất và khoáng sản, phục vụ khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản hợp lý theo hướng bền vững; ứng dụng phương pháp, công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản; xác lập cơ sở khoa học nhằm nâng cao hiệu quả điều tra cơ bản địa chất đối với một số khoáng sản quan trọng, ẩn sâu và khoáng sản biển;

Lĩnh vực môi trường: Bổ sung và hoàn thiện giải pháp, công cụ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam trong dự báo, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục hậu quả và sự cố môi trường.

Lĩnh vực khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và hải văn, khả năng phục vụ của thông tin khí tượng thủy văn, hải văn và biến đổi khí hậu trong công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội; hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và hải văn, giám sát biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng xử lý, đồng hóa số liệu quan trắc khí tượng thủy văn và hải văn; cung cấp cơ sở khoa học xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực biển và hải đảo: Cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Cung cấp cơ sở khoa học quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội biển, vùng ven biển và hải đảo có tính đến biến đổi khí hậu; Áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhận chìm ở biển, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Lĩnh vực đo đạc và bản đồ: Đề xuất luận cứ khoa học cho việc xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu (CSDL) Quasigeoid quốc gia trên đất liền và trên biển, trên cơ sở các phương pháp xử lý tích hợp dữ liệu trọng lực, GNSS, mô hình trọng trường trái đất EGM, thủy chuẩn và mô hình số độ cao; hình thành mô hình và khung kỹ thuật trong xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian Quốc gia (NSDI - National Spatial Data Infrastructure); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong đo đạc bản đồ, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý phục vụ đa ngành.

Lĩnh vực viễn thám: Cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng cơ sở cho hoạt động viễn thám; ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội; cải tiến quy trình công nghệ thành lập, cập nhật bản đồ, cơ sở dữ liệu chuyên đề và cơ sở dữ liệu địa hình bằng viễn thám theo hướng tự động hóa, kết hợp các phương pháp viễn thám và hệ thống thông tin địa lý.

www.monre.gov.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ