SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

"Muốn bứt phá, không thể bỏ qua nghiên cứu cơ bản"

[07/06/2016 14:42]

"Dưới góc độ của Bộ KH&CN, chúng tôi nhận thức rõ, khoa học cơ bản làm thay đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta, nghiên cứu cơ bản là cơ sở để đưa khoa học vào cuộc sống" - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Với Việt Nam, sự quan tâm đến phát triển nghiên cứu cơ bản là xuyên suốt. Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển cộng với điều kiện tiềm lực còn hạn chế, chúng ta thường ưu tiên nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu định hướng có ứng dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quên nghiên cứu cơ bản. Đặc biệt, với các nước muốn bứt phá thì nghiên cứu cơ bản lại càng quan trọng không thể bỏ qua được. Đây là điều mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh trong trả lời báo chí tại sự kiện họp báo “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” vừa qua.

Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, dưới đây là một số trao đổi của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh với phóng viên tại sự kiện họp báo “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII”.

Trong Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 có Hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội. Đây là Hội nghị được đánh giá quan trọng đặc biệt để nói lên tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản đối với sự phát triển của xã hội mọi mặt. Dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN, xin ông cho biết Chủ trương chính sách của Bộ KH&CN đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam?

Chủ trương chính sách đối với nghiên cứu cơ bản ngay từ khi thành lập đất nước, đặc biệt trong điều kiện xây dựng đất nước đã được Đảng, Nhà nước rất chú trọng. Chúng ta đã có một chặng đường dài trên con đường nghiên cứu cơ bản và đã có những thế hệ các nhà nghiên cứu cơ bản có trình độ khu vực, thậm chí với quốc tế. Thông qua đó, những nhà khoa học này đã đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng đất nước.

Gần đây, có thể nói kể từ những năm 90, Đảng và Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản dưới hình thức của các Chương trình và những hỗ trợ cụ thể. Bắt đầu từ năm 1991, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, cơ học, tin học, khoa học sự sống, khoa học trái đất…).

Chúng tôi cũng đã thành lập Hội đồng khoa học tự nhiên gồm các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực, thông qua đó tư vấn cho bộ máy quản lý, lãnh đạo Bộ KH&CN định hướng phát triển. Có thể nói, một chặng đường dài đã đi qua, đến tận giai đoạn 2006- 2007 vừa qua, chúng ta đã đào tạo được hàng ngàn cán bộ nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản. Đặc biệt điểm dễ nhận thấy là số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín ngày càng tăng lên.

Từ năm 2008, Bộ KH&CN đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Việt Nam (Nafosted), đầu tư trực tiếp cho các nhà nghiên cứu cơ bản trong 7 lĩnh vực. Hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản có ứng dụng; tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu trẻ đi hội nghị hội thảo quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ, chúng ta đã thu được những thành công không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản mà cả nghiên cứu cơ bản có ít nhiều ứng dụng như nano.

Trên diễn đàn quốc tế, từ năm 2011- 2015, số lượng các công bố quốc tế tăng trưởng vượt bậc, trung bình từ 15- 20%. Số lượng các công bố quốc tế giai đoạn này gấp đôi giai đoạn trước.

Trong nhiều Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 20 về KH&CN phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế có khá nhiều nội dung tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nghiên cứu cơ bản như: tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hoạch định đường lối chính sách để phát triển đất nước; quan tâm đến nghiên cứu cơ bản có trọng điểm; ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế; đặc biệt xây dựng một số Chương trình nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như Toán, Vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển…

Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành là điểm sáng trong hoạt động của “Gặp gỡ Việt Nam” các năm qua. Ông có thể cho biết, sự hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với các hoạt động của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành?

Dưới góc độ của Bộ KH&CN, chúng tôi nhận thức rõ, khoa học cơ bản làm thay đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta, nghiên cứu cơ bản là cơ sở để đưa khoa học vào cuộc sống. Với Việt Nam, sự quan tâm đến phát triển nghiên cứu cơ bản là xuyên suốt. Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển cộng với điều kiện tiềm lực còn hạn chế, chúng ta thường ưu tiên nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu định hướng có ứng dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quên nghiên cứu cơ bản. Đặc biệt, với các nước muốn bứt phá thì nghiên cứu cơ bản lại càng quan trọng không thể bỏ qua được.

Trên tinh thần đó, Bộ KH&CN đã đồng hành ngay từ những bước đầu tiên, bắt đầu từ ý tưởng đề xuất, đến đồng tổ chức một số các hoạt động, hỗ trợ kinh phí…Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ra đời không chỉ phục vụ cho nhu cầu giao lưu, gặp gỡ của giới khoa học trong và ngoài nước mà còn là đầu mối kết nối giữa các nền khoa học trẻ ở Châu Á với các trung tâm tri thức lớn trên thế giới, từ đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển giáo dục ở Việt Nam. Đối với năm nay, chúng ta có cơ hội tương tác giữa nhà nghiên cứu cơ bản, nhà hoạch định chính sách và khối công nghiệp trong đó có khối kinh tế tư nhân.

- Xin ông cho biết, vị trí của KH&CN cơ bản đối với nền KH&CN Việt Nam nói riêng và  thế giới nói chung?

Cho đến hiện nay, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Việt Nam vẫn luôn luôn đứng ở top đầu của Asean. Tôi xin nhấn mạnh “luôn luôn” vì chỉ cần sao nhãng đi một chút thì thứ hạng này có thể tụt bậc ngay. Trong năm 2014, về Toán học, Việt Nam đứng thứ 50 trên thế giới và thứ 4 ASEAN. Tương tự, về Vật lý, chúng ta xếp thứ 60 thế giới và thứ 4 khu vực.

Với lĩnh vực Hóa học, Việt Nam xếp thứ 56 trên thế giới và xếp thứ 4 khu vực ASEAN. Với lĩnh vực khoa học sự sống trái đất, Việt Nam xếp thứ 57 trên thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN. Khoa học cơ bản Việt Nam đang ở tốp đầu khu vực.

Đặc biệt, có một dấu ấn rất quan trọng là năm 2015, sự kiện UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11/2015 đã khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam so với khu vực và thế giới. Trong khu vực ASEAN không có trung tâm nào về Toán và Vật lý được UNESCO công nhận như của Việt Nam. Hai trung tâm được công nhận trước đó của Indonesia và Malaysia không thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

Việc xếp hạng này dựa chủ yếu vào số lượng các công bố quốc tế, đặc biệt là các công bố trên hệ thống tạp chí ISI. Trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua, số lượng công bố ISI của Việt Nam tăng từ 15-20% tùy từng năm. Tính tổng cả giai đoạn số lượng công bố của giai đoạn này tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước.

- Thưa ông, sự hiện diện của giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên khoa học và công nghệ tại “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” cho thấy điều gì?

Ở các nước phát triển, có sự gặp gỡ rất rõ giữa khoa học cơ bản và giới công nghiệp. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển như Việt Nam, khoảng cách này vẫn còn khá xa. Những sự kiện như "Gặp gỡ Việt Nam" với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách này. Sự hiện diện của giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên khoa học và công nghệ tại “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” cho thấy mối quan tâm của đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội. Chứng tỏ sức hút của nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đối với thế giới.

Các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn sẽ đến dự hội nghị "Khoa học cơ bản và xã hội" tại Trung tâm ICISE năm 2016 

- Tập đoàn Solvay, Bỉ: chuyên sản xuất hóa chất.

- Tập đoàn SANOFI-AVENTIS, Pháp: chuyên sản xuất dược phẩm.

- Tập đoàn Airbus, Pháp: chuyên sản xuất máy bay.

- Tập đoàn Valéo, Pháp: chuyên sản xuất phụ kiện xe hơi.

 

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài