SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập - Bài 1: Hơn 10 năm vẫn nóng

[30/06/2016 07:59]

Một số đơn vị đã được phê duyệt đề án chuyển đổi, nhưng vẫn xin cơ quan chủ quản tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Tại nhiều địa phương, một số đơn vị đã chuyển đổi nhưng vẫn chưa được giao quyền tự chủ thật sự về tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế... Đây là bức tranh sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Hầu như chưa chuyển đổi

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến 31.12.2014, trong tổng số 642 tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) công lập có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%) và 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ. Như vậy, đến nay còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mặc dù Nghị định 115 sửa đổi quy định hạn cuối cùng các tổ chức phải được phê duyệt đề án là ngày 31.12.2013. Và, để nghị định 115 đi vào cuộc sống, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cũng đã ban hành 8 Thông tư và 1 Quyết định để hướng dẫn chi tiết.

Tất nhiên, số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương về số lượng các đơn vị chuyển đổi so với thời điểm thống kê đã có sự biến động, vì trong năm 2015, Bộ KHCN triển khai tổng kết, sửa đổi Nghị định 115, nên việc cập nhật, thống kê dừng lại. Trưởng phòng Biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KHCN Đinh Văn Bách cho biết, cũng trong thời hơn 10 năm thực hiện chủ trương này các cơ quan chức năng đã có sự điều chỉnh văn bản pháp luật liên quan, cụ thể Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập... Sự điều chỉnh tại các văn bản nêu trên là khá thiết thực, chẳng hạn thay cấp kinh phí theo đầu người (bao nhiêu cán bộ cấp bây nhiêu kinh phí) bằng cấp kinh phí theo đầu việc. Tuy nhiên, việc thay đổi có tính chất căn bản này đã cho thấy một thực trạng đáng quan tâm khác là có không ít đơn vị KHCN công lập không biết kê đầu việc là gì, báo cáo cuối năm cho đủ yêu cầu của đơn vị chủ quản!

Bức tranh nhiều màu

 Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định Ban hành kế hoạch cải cách hành chính của Bộ KHCN giai đoạn 2016 – 2020 trong cải cách chính sách công là thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập.

Thực tế hơn 10 năm thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thấy, các tổ chức KHCN công lập khó có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có những địa phương sau hơn 10 năm cũng không chuyển đổi được đơn vị nào, hoặc đã phê duyệt nhưng không hoạt động. Phổ biến nhất vẫn tiếp tục rót kinh phí hỗ trợ khi đã đối với những đơn vị chuyển đổi hoạt động kém vì hàng loạt vấn đề không thể giải quyết được, nhất là cán bộ dôi dư. Chẳng hạn, Đắk Lắk có 3 tổ chức KHCN công lập, thuộc Sở KHCN phải chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN; Trung tâm Thông tin thống kê KHCN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng TĐC. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào được chuyển đổi. Một trong những nguyên nhân quan trọng được đại diện Sở KHCN đưa ra là các sở, ngành đều chờ văn bản hướng dẫn trong khi văn bản hướng dẫn được ban hành rất chậm. Đơn cử như Sở Nội vụ đòi hỏi phải xây dựng nhân sự theo Đề án việc làm; Sở Tài chính chờ hướng dẫn về xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KHCN công lập mà mãi đến năm 2014, Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN giữa Bộ Tài chính, Bộ KHCN về vấn đề này mới ban hành.

Không khá hơn Đắk Lắk là mấy, Bình Định chỉ có 1/15 đơn vị chuyển đổi, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, thuộc Sở KHCN. Mặc dù, trong năm 2006, tức là chỉ 1 năm sau khi có Nghị định 115, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, thuộc Sở KHCN thực hiện việc chuyển đổi, song trước nhiều khó khăn gặp phải nên chỉ 3 năm sau đã xin chuyển sang thực hiện cơ chế khác. Các tổ chức còn lại hầu hết chưa xây dựng được đề án chuyển đổi để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều đáng nói, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin hiện đang ở trong tình trạng "chưa hoàn toàn tự chủ" vì không đủ nguồn thu.

Tất nhiên trong bức tranh không mấy phần sáng sủa đó cũng có một số tổ chức KHCN khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì hoạt động tốt như Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3...

daibieunhandan.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài