SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

PTT Vũ Đức Đam: Đầu tư cho khoa học cơ bản là tăng cường năng lực quốc gia

[07/07/2016 14:43]

"Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Hãy để "Gặp gỡ Việt Nam" là sự kiện được công chúng yêu khoa học đón nhận

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chào mừng nồng nhiệt của Việt nam đến các nhà khoa học thế giới và trong nước đã tới tham dự, lời cảm ơn đến Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự đã hết sức tâm huyết để “Gặp gỡ Việt Nam” góp phần mang thêm hơi thở, sắc màu mới cho khoa học Việt Nam.

"Từ khi được khởi đầu, “Gặp gỡ Việt Nam” đã thu hút hàng ngàn lượt thành viên gia. Điều rất đáng vui mừng là số lượng các nhà khoa học tham gia ngày càng đông. Sự góp mặt của trên 200 nhà khoa học, trong đó có 5 nhà hoa học đạt giải thưởng Nobel, tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần này là một minh chứng sống động", Phó Thủ tướng chia sẻ. 

Phó Thủ tướng cũng mong muốn rằng, 30 năm sau, lễ kỷ niệm 50 năm sinh nhật “Gặp gỡ Việt Nam” sẽ có sự tham gia của nhiều người, nhiều nhà khoa học - trong đó có những gương mặt trẻ có mặt ở đây hôm nay. Trong Lễ kỷ niệm ấy mọi người sẽ vui mừng nhấn mạnh rằng nhiều nhà khoa học dành được giải thưởng Nobel và các giải thưởng khoa học cao quý khác sau khi tham gia “Gặp gỡ Việt Nam”.

"Không phải là nhà khoa học nhưng tôi nhận thức sâu sắc vai trò không thể thiếu của khoa học trong sứ mệnh tạo dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp. 

Tôi mong rằng “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học – những người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp - mà cả công chúng những người yêu khoa học, những người ủng hộ khoa học... Và vì vậy, bên cạnh những nội dung, ngôn ngữ khoa học chuyên sâu còn cần những hoạt động, cách biểu thể dung dị, dễ hiểu với tinh thần “đưa khoa học tới quần chúng”, “khoa học gắn với thực tiễn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Để mong muốn đó trở thành hiện thực, Phó Thủ tướng cho rằng một trong những điều kiện là Chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian Khoa học Quy Nhơn hoàn thiện tiếp tục phát triển, hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả.  Còn về sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định "Chính phủ Việt Nam đã cam kết ủng hộ và sẽ không thay đổi".

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, đào tạo; của các nhà khoa học quốc tế dành cho Việt Nam là hết sức quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu mới mà Việt Nam còn rất thiếu nhân lực. Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học và đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, phát triển đất nước. Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của “Gặp gỡ Việt Nam”.

"Có những nhà khoa học đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Giáo sư Pierre Darriulat là một trong số đó. Giáo sư không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn tham gia đóng góp về chính sách phát triển; chính sách khoa học, công nghệ", Phó Thủ tướng bày tỏ.  

Khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển

Phó Thủ tướng cho biết, đã có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia.

Ngay sau khi dành Độc lập, Chính phủ Việt Nam đã thành lập các bộ môn khoa học cơ bản trong các trường Đại học. Trong những năm còn chiến tranh, Việt Nam đã chọn cử hàng ngàn sinh viên ưu tú du học các ngành khoa học cơ bản. Bước vào thời kỳ Đổi Mới, từ năm 1990, Chính phủ đã triển khai chương trình “Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên”, hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học, đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống...

Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia cũng tài trợ cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Không chỉ đầu tư về vật chất Khoa học luôn được Nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ được trao tặng cho các nhà khoa học, công trình nghiên cứu xuất sắc. Gần đây, Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các công trình khoa học cơ bản.

Phó Thủ tướng chia sẻ: "Điều rất đáng phấn khởi là có ngày càng nhiều chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em, cho giới trẻ. Tôi đã có dịp tham dự các ngày hội STEM, được thấy những ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ. Điều ấn tượng là cả các phụ huynh cùng đi cũng đều hết sức hứng khởi, nhiều người biểu hiện vui như trẻ thơ vậy.

Khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin đang làm thay đổi thế giới; làm những điều kỳ diệu tưởng chừng chỉ có trong các câu chuyện cổ tích thành sự thật. Không có khoa học cơ bản thì không có những công nghệ ấy.

Ví như hệ thống định vị toàn cầu GPS hết sức tiện dụng – kể cả nếu chúng ta muốn xác nhận về vị trí chính xác của mình - không thể có nếu không có thuyết tương đối của Einstein. Tôi có đọc ở đâu đó câu nói của Nhà vật lý Hà Lan Casimir ý rằng không có một tiến bộ nào trong thế kỷ 20 mà không mắc nợ khoa học cơ bản. Từ việc đảm bảo an ninh lương thực, tiến bộ của y học để duy trì sự sống con người tới bảo vệ môi trường, giữ cho hành tinh mãi xanh, trường tồn… đều dựa trên những phát minh bắt nguồn từ những nghiên cứu khoa học cơ bản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại. Tham gia làm giàu di sản đó là vinh dự, là trách nhiệm chung.

Thế giới đầy biến động. Nhân loại vẫn đang đứng trước nhiều hiểm họa tiềm ẩn từ chiến tranh, xung đột tới bệnh dịch, môi trường bị tàn phá... Các nhà khoa học, các công trình khoa học có vai trò quan trọng trong kiến tạo hòa bình, tăng cường hợp tác; trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu đe dọa tới phát triển bền vững, tới tương lai của hành tinh này.

Và sự hiện diện của các nhà khoa học tại đây; những vấn đề được thảo luận trong dịp này là một phần rất ý nghĩa trong thực hiện vai trò đó. Chính phủ Việt Nam, tất cả chúng ta hãy cùng làm hết sức mình để vai trò quan trọng ấy được thực hiện thuận lợi và ngày càng trở nên quan trọng.

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ