SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

'Tù mù' chất lượng hàng tiêu dùng Thái Lan bán tràn lan

[13/11/2017 09:49]

Cùng một sản phẩm nhưng bán mỗi nơi mỗi giá khác nhau, là hàng nhập khẩu nhưng đa phần trong số đó không có nhãn phụ bằng tiếng Việt…

Sản phẩm Thái Lan được bán tràn lan trên thị trường nhưng thông tin về sản phẩm lại không rõ ràng.

Đó là thực trạng hàng tiêu dùng Thái Lan trên thị trường khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt.

Tràn lan hàng không nhãn mác tiếng Việt

Ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam tại một số cửa hàng kinh doanh chuyên về hàng nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản: Trong rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng như hóa mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng hầu hết trên mỗi sản phẩm đều không được gắn nhãn phụ theo quy định.

Tại cửa hàng chuyên đồ Thái Lan tại đường Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội, hàng hóa xuất xứ Thái Lan tràn ngập các kệ hàng, đủ chủng loại, sản phẩm nhưng tìm mỏi mắt trên các sản phẩm này không hề thấy bất kỳ một thông tin vào về sản phẩm bằng tiếng Việt. Thậm chí, có sản phẩm cùng thương hiệu, công dụng chỉ khác màu sắc, bào bì ghi hoàn toàn bằng chữ Thái Lan khiến cho người mua rất khó khăn trong việc chọn lựa.

Theo chị Vũ Anh Thư (Dịch Vọng – Cầu Giấy- HN), nhiều khi đi mua hàng, cầm trên tay những mặt hàng không có chút thông tin bằng tiếng Việt rất lúng túng không biết sản phẩm đó tên gọi là gì nên đành phải quay sang hỏi người mua hàng đứng bên cạnh hay nhờ sự trợ giúp của nhân viên bán hàng.

“Rất nhiều nơi bán hàng như "đánh đố" người tiêu dùng khi bán ra nhiều mặt hàng toàn chữ nước ngoài mà không có thông tin cụ thể bằng tiếng Việt, như vật chẳng khác nào hàng "trôi nổi", hàng mập mờ nguồn gốc, thậm chí hàng lậu”, chị Thư nói.

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, các cửa hàng tiêu dùng treo biển “hàng Thái Lan” thường không chỉ bán hàng có xuất xứ Thái Lan mà còn có cả hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc do không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trong khi đó, người bán hàng nếu được hỏi sẽ luôn khẳng định đây là hàng Thái. Không chỉ thế, nhiều trường hợp cửa hàng kinh doanh còn cố tình giới thiệu, quảng cáo mang tính gây nhầm lẫn, như sản phẩm được thiết kế ở Thái Lan, mang nhãn hiệu Thái Lan nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Về mẫu mã, hàng nhái không thua kém gì hàng xịn, mà giá cả lại rẻ hơn nhiều, được bày bán lẫn lộn, nên người mua rất khó phân biệt. Thậm chí có nơi còn tinh vi đánh tráo từng bộ phận nhỏ trong máy, chẳng hạn một máy xay sinh tố ghi “made in Thailand” nhưng lại có cốc xay “made in China”...

Theo kết quả khảo sát từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017, người tiêu dùng có tâm lý “e dè” hàng Trung Quốc… nhưng lại ưa chuộng hàng Thái. Thế nhưng ít ai biết rằng, trên thị trường hàng Thái Lan hiện được cho là có rất nhiều xuất xứ.

Theo các chuyên gia, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên xem kỹ các thông tin về sản phẩm ghi trên nhãn mác, tránh trường hợp ham của rẻ mà rước nhiều sản phẩm chất lượng thấp về nhà. Thực tế nhiều sản phẩm dù có mẫu mã đẹp, thông tin địa chỉ rõ ràng song chất lượng khi sử dụng không được như kỳ vọng, do đó người tiêu dùng cũng cần tham khảo ý kiến trước khi quyết định “rút hầu bao”.

Minh bạch thông tin nhờ nhãn phụ

Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Nhiều sản phẩm tiêu dùng Thái Lan bán trên thị trường không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

Tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường. Tem phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)…”

Việc không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm nhập khẩu đã vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản, nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng chính hãng, hàng nhập lậu…, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường cho cơ quan chức năng.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái và cả hàng kém chất lượng đội lôi, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua sản phẩm tại những nơi có uy tín, đọc kỹ nhãn sản phẩm và chỉ chọn mua những sản phẩm có ghi nhãn phụ rõ ràng về nơi sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối, có ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt... Đó là cách tốt nhất để mua được những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý nhất, không chỉ riêng đối với hàng Việt, hàng Trung Quốc, hàng Thái mà ngay cả với các mặt hàng sản xuất ở những nước phát triển.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa, tiêu dùng đã và đang bị trà trộn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... thì với việc dán tem nhãn đầy đủ, rõ ràng đúng quy định của pháp luật trên sản phẩm của mình chính là cách đơn giản nhất để một doanh nghiệp chân chính tự bảo vệ uy tín, thương hiệu, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho khách hàng.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ