SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhân rộng và kết nối Sáng kiến vì cộng đồng

[04/06/2018 09:08]

Đây là mục đích của Hội thảo chia sẻ các sáng kiến vì cộng đồng: Nhân rộng và kết nối được Bộ Biên tập Tạp chí cộng sản, Bộ Khoa học công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 1/6, tại Hà Nội.

Lễ trao giải sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 2 sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1- Đài truyền hình Việt Nam vào lúc 9h15p ngày 2/6/2018 tại Hà Nội.

Tham dự và điều hành Chương trình có đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản; đồng chí Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam; các chuyên gia là thành viên Hội đồng Chung khảo của Cuộc thi; các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức liên quan, các doanh nghiệp, các phóng viên đến từ các cơ quan truyền thông và đặc biệt là các tác giả, đồng tác giả sáng kiến tham gia Cuộc thi

Sau 9 tháng phát động cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 2 (từ ngày 25-5-2017 đến 28-2-2018), Ban tổ chức đã nhận được gần 400 sáng kiến dự thi của các tác giả và nhóm tác giả trong cả nước.

Lợi lợi ích thiết thực cho cộng đồng

Các sáng kiến năm nay tập trung nhiều ở các lĩnh vực môi trường, giáo dục, văn hóa-xã hội; tiếp đến là các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, kinh tế, y tế, du lịch… Trong đó, các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các vùng khó khăn và các sáng kiến trong lĩnh vực môi trường chiếm tỷ lệ cao.

Qua 2 vòng thẩm định, Ban tổ chức đã lựa chọn được 12 sáng kiến tiêu biểu nhất để trao giải, như: Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm, Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao, Đèn học tiết kiệm đa năng, Ứng dụng truyền tải thông tin ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Các sáng kiến đề xuất trong chương trình được giải là những công trình có ý nghĩa, có khả năng ứng dụng cao vào đời sống. Để phát huy hiệu quả của những sáng kiến này, điều quan trọng hiện nay là rất cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thương mại hóa sản phẩm; phổ biến, quảng bá các sáng chế cũng như các chính sách khuyến khích về thuế, tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: Muốn phát triển đất nước, không có cách nào khác là đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư cho sự đổi mới sáng tạo của quốc gia. Sức mạnh của một quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tiền, địa chính trị. Vị trí cũng quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất là tính sáng tạo của dân tộc, đấy là yếu tố quyết định.

Thứ trưởng cũng cho biết, cuộc thi này cũng mang tinh thần đổi mới sáng tạo, đây là lần thứ thứ 2 tổ chức, phần nào cuộc thi đã đạt được ý nguyện ban đầu. Năm nay có 400 sáng kiến gửi đến, đủ các vùng miền, thành phần, lứa tuổi, lĩnh vực…điều đó cho thấy chúng ta đã góp phần động viên, kích lệ cả một xã hội có những sáng kiến, tuy sáng kiến có thể không thật phức tạp, không thật cao siêu nhưng mang lại lợi ích cho cộng động.

“Suy cho cùng những phát minh, sáng chế lớn nhất của nhân loại cũng như những sáng kiến dù nhỏ cũng chỉ để cuộc sống chúng ta thuận lợi hơn, lao động đỡ vất vả  hơn, mệt nhọc hơn”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Chia sẻ về sáng kiến “giải pháp cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” của đơn vị mình, ông Đặng Nguyên Phương, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay, ứng dụng này được triển khai trên 161 hộ nuôi tôm thí điểm tại Sóc Trăng. Các hộ nuôi đã tiết kiệm được hơn 1.450.000 kWh/năm, tương đương gần 2,5 tỷ đồng.

Hiện nay, để đầu tư 1 MW điện cần đến hơn 20 tỷ đồng. Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Nam, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư sẽ khoảng 4.760 tỷ đồng. Do đó, bằng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm sẽ giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ trong nuôi tôm.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, sử dụng điện và năng lượng nói chung ở Việt Nam ngày càng tăng cao và mức độ tăng cũng cao hơn so với nhiều nước. Các sáng kiến được đưa ra liên quan đến giảm lượng điện tiêu thụ, giảm sử dụng năng lượng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với các sáng kiến được đánh giá cao như: cải tạo dàn quạt nuôi tôm, đèn học tiết kiệm điện… đưa vào ứng dụng là rất thiết thực. Tuy nhiên, thời gian tới, cần tuyên truyền để các sáng kiến đó được lan tỏa rộng hơn. Đồng thời, triển khai rộng rãi hơn ở các tỉnh, thành phố, đem lại hiểu quả lớn hơn.

Thúc đẩy năng suất lao động

Năm 2017, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 47/127 quốc gia, nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được, là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng về các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, yếu tố sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay chưa có thống kê nghiên cứu về các sáng kiến trong quần chúng cũng như giá trị kinh tế xã hội mà các sáng kiến mang lại. Trên thực tế, những lợi ích thiết thực từ các sáng kiến, sáng tạo đã góp phần tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới, giải pháp mới giúp tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất và đời sống.

Qua hội thảo này, ban tổ chức mong muốn nhận được ý kiến đóng góp kinh nghiệm thực tiễn thiết thực hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách, những hành lang cơ chế, giải pháp để thúc đẩy và gia tăng hơn nữa số lượng, chất lượng của các sáng kiến vì cộng đồng để tiếp tục có những đóng góp tích cực hiệu quả đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước.

Giải “Sáng kiến vì cộng đồng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ phát động được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, trao tặng cho các tổ chức, cá nhân đưa ra các sáng kiến xuất sắc, ý tưởng sáng tạo, những dự án thông minh,… nhằm góp phần giải quyết những vấn đề của cộng đồng, xã hội. Qua đó thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nét văn hóa cho mỗi công dân Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề xã hội, cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của đất nước.

 Giải Nhất:

Giải pháp cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm: Sáng kiến hướng tới mục tiêu giảm áp lực về cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, giúp hộ nuôi tôm tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

Giải Nhì

-Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao: Tạo ra nguồn nước nóng phục vụ cho đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vào mùa đông.

-Đèn học tiết kiệm đa năng: Sản phẩm ra đời đã khắc phục những hạn chế (diện tích, cấu trúc phức tạp, chức năng hạn chế) của các sản phẩm đèn học đã được ra đời trước đó.

Giải Ba

- Vì cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật: Cung cấp bức tranh toàn cảnh về cách nhiền nhận và đánh giá về khuyết tật và các vấn đề liên quan đến khuyết tật và sự hòa nhập; Xây dựng tài nguyên trực tuyến về người khuyết tật, bức tranh toàn cảnh, đầy đủ về tình trạng tàn tật tại địa phương; Tạo ra một cơ sở dữ liệu lưu trữ, quản lý, thống kê về người khuyết tật;

- Ứng dụng truyền tải thông tin ngập (UDI Maps) tại Tp.Hồ Chí Minh: Tiết kiệm thời gian và chi phí tham gia giao thông cho người dân khi xảy ra tình trạng ngập úng trên một số tuyến đường thuộc Tp.HCM. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong công tác phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn giải quyết tình trạng ngập úng của Tp.HCM.

-Sản xuất muối sách tự động và tận thu nước ngọt với lều sấylắp ghép bẫy nhiệt năng lượng mặt trời (NLMT): Nhằm khắc phục hạn chế tốc độ bay hơi nước tự nhiên chậm theo cách cố hữu; thiết lập mô hình điều khiển tự động lấy/xả nước theo độ mặn ứng với từng phân đoạn kết tinh tạp chất/Fe-Ca-thạch cao, tăng đột phá về năng suất và chất lượng muối.

Nhóm phóng viên
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ