SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự phân bố và xâm nhiễm của nấm rễ nội sinh (Vesicular arbuscular mycorrhiza - VAM) trong mẫu rễ và đất trồng bắp tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

[11/07/2018 16:37]

Nghiên cứu do các tác giả: Võ Thị Tú Trinh và Dương Minh - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Các dạng xâm nhiễm của nấm rễ bên trong rễ bắp ở độ phóng đại 400X

Có khoảng 100.000 loài vi nấm đã được các nhà phân loại học phát hiện và mô tả trong đất, trong đó phần lớn tập trung ở tầng đất canh tác (Trần Văn Mão, 2004). Bên cạnh nấm gây bệnh cho cây trồng còn có sự hiện diện các loài nấm có lợi (Phạm Văn Kim, 2000), một trong số đó là nấm rễ nội cộng sinh (vescular arbuscular mycorrhiza- VAM) giúp tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố bị cố định trong đất như lân, đồng, kẽm,... đồng thời kích thích khả năng sinh trưởng và tăng năng suất cây trồng (Rhodes, 1980). Thuật ngữ “cộng sinh” có thể sử dụng đầu tiên bởi Frank vào năm 1885. Đây là một thuật ngữ để chỉ sự quan hệ qua lại bình đẳng và cùng tồn tại của các loài sinh vật chẳng hạn được quan sát ở địa y (Trappe, 2005). Theo Gerdemann (1968), từ thập niên 1950, VAM đã được phát hiện rộng rãi trong đất, chúng có phổ ký chủ rộng và những lợi ích từ chúng ngày càng trở nên rõ rệt. Hầu hết các loài thực vật sống trên cạn đều tham gia vào việc hình thành cộng sinh với nấm rễ, do hệ sợi nấm phát triển bao bọc bên ngoài vỏ rễ giúp hệ thống rễ cây hoạt động hiệu quả hơn nên việc hấp thụ nước đối với những loài thực vật sống ở những vùng khô hạn có cộng sinh với nấm rễ thì dễ dàng hơn đối với những loài thực vật không có sự cộng sinh này (Rhodes, 1980). Hơn nữa, nấm arbuscular mycorrhiza còn giúp cây tăng tính chống chịu khi gặp môi trường bất lợi (khô hạn, mặn, chua…) và cây bị sốc trong quá trình trồng cây con (Schenck, 1982, trích từ Vương Văn Hậu, 2012).

Bên cạnh đó, nấm rễ còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sinh học. Một số loài nấm rễ có thể phát hiện và kiểm soát tốt mầm bệnh trong đất do nấm Fusarium, Phytophthora, Pythium, Rhizoctonia và Sclerotinium… gây ra, nhờ đó hạn chế thất thu năng suất cho cây trồng (Al-Askar và Rashad, 2010). Nhờ đặc tính này, nấm có thể được dùng nhằm hạn chế sử dụng phân bón và thuốc hóa học trên cây trồng. Nghiên cứu này nhằm xác định đặc điểm phân bố, khả năng cộng sinh và thành phần các chi nấm bản địa có trong đất cộng sinh với rễ bắp tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đây là giai đoạn đầu trong việc nghiên cứu sử dụng nấm rễ VAM như một chế phẩm sinh học.

Hình thái bào tử của các chi nấm trong đất trồng bắp tại các tỉnh khảo sát (độ phóng đại 400X)

Kết quả khảo sát các mẫu đất và rễ bắp thu thập tại năm tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang có pH từ 3,64 - 5,80, đất thịt pha sét, trên các ruộng bắp khoảng 40 ngày tuổi cho thấy tất cả các mẫu đất và rễ đều có sự hiện diện nấm rễ VAM cộng sinh, thể hiện qua sự xâm nhiễm của nấm bên trong rễ và số lượng bào tử trong đất, có ba dạng cấu trúc xâm nhiễm: dạng sợi nấm, túi (vesicular) và bụi (arbuscular). Tỷ lệ xâm nhiễm của nấm trong rễ bắp tương quan thuận với giá trị pH đất (từ 3,6 - 5,8) tại vùng trồng bắp. Tiêu chuẩn phân loại và định danh dựa trên đặc điểm hình thái về màu sắc, hình dạng, số lớp của vách bào tử, hình dạng cuống bào tử và tên chi của bào tử. Kết quả cho thấy các dạng bào tử của nấm rễ thuộc ba chi: Glomus, Acaulospora và Entrophospora. Các bào tử thuộc chi Glomus và Acaulospora hiện diện ở tất cả các mẫu đất trồng bắp thu thập từ năm tỉnh trên, chi Entrophospora chỉ hiện diện trong mẫu đất thuộc hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài