SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khai thác hiệu quả xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

[26/07/2018 16:58]

Thị trường Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là một thị trường tiềm năng lớn cho Việt Nam xuất khẩu nông sản.

Việt Nam có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, khoảng cách địa lý gần, chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa thấp hơn đi các khu vực khác thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu giữa hai nước. Nhu cầu nông sản của Trung Quốc khá phù hợp với phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang khai thác thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản khá hiệu quả.

Tại Lạng Sơn, số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, lượng quả vải tươi xuất sang Trung Quốc qua tỉnh Quảng Tây là trên 60.000 tấn, vải khô 10.000 tấn (tương đương 40.000 tấn vải tươi), thanh long 300.000 tấn, xoài 200.000 tấn… Khối lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cao gấp 8 lần khối lượng nông sản của Trung Quốc xuất vào Việt Nam.

Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành Lào Cai

Tại Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Công Thương tỉnh này cũng đã ghi nhận, khối lượng nông sản xuất sang Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam cũng đã đạt khoảng 400.000 tấn, tăng 166% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt khoảng khoảng 300 triệu USD, tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm 2017.

Các phân tích, dự báo quốc tế cho thấy, với tốc độ tăng trưởng cao gấp 2,27 lần tốc độ tăng bình quân của thế giới trong 10 năm qua, Trung Quốc hiện đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về quy mô nhập khẩu nông sản, với tổng kim ngạch khoảng 155 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản thế giới.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng trên 20% tổng kim ngạch nông sản Việt Nam xuất ra thế giới, nhu cầu nông sản của Trung Quốc đa dạng về chủng loại, yêu cầu chất lượng không quá cao, cần có các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, tỷ trọng nhập khẩu nông sản nguyên liệu là rất lớn. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, năm 2016 Trung Quốc nhập khẩu khoảng 56,4 tỷ USD nguyên liệu nông sản, chiếm 23,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu nông sản của thế giới.

Theo nhận định của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhập khẩu các loại lương thực chủ yếu hàng năm của Trung Quốc hiện nay dao động trong khoảng 6,6 -7,7 triệu tấn/năm; nhập siêu đậu tương và hạt có dầu khác của Trung Quốc là 97 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 200 triệu tấn/năm trong thập niên tới.

Mặt bằng thu nhập (DGP bình quân đầu người) của Trung Quốc so với bình quân của thế giới chưa cao, đẳng cấp tiêu dùng của số đông người Trung Quốc vẫn mang tính chất “ăn no”. Điều này thể hiện rất rõ bởi mức tiêu thụ lương thực bình quân của Trung Quốc cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., trong khi mức tiêu thụ thịt, sữa lại thấp hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước là tất yếu. Đây là những cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khai thác, mở rộng qui mô xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn vẫn theo đường tiểu ngạch (biên mậu) rất bị động, rủi ro cao, thường bị đối tác ép giá... do chính sách quản lý thương mại biên giới giữa hai nước còn có những vấn đề chưa tương thích. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy giao thương, hướng tới cân bằng cán cân thương mại giảm dần tỷ trọng Việt Nam nhập siêu, hai bên cần có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc./.

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ