SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Long An: Đẩy mạnh thâm canh cây mè theo hướng mới

[20/08/2018 10:09]

Trung tâm Khuyến nông Long An chủ trì thực hiện đề tài thâm canh mè (vừng) trên vùng đất xám theo hướng cơ giới hóa.

Mè là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng, nên có triển vọng thay thế cây lúa, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả. Sản phẩm từ cây mè không những dùng làm thực phẩm, mà còn được dùng trong dược phẩm, công nghiệp, và xa hơn là sản xuất dầu sinh học, nên đầu ra tương đối ổn định. Theo tính toán sơ bộ của Trung tâm khuyến nông tỉnh, chi phí sản xuất 1 ha mè khoảng hơn 17 triệu đồng, với năng suất từ 8 tạ đến 12 tạ/ha, với giá mè từ 30.000- 40.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 10 - 13 triệu đồng/ha

Mô hình áp dụng các biện pháp thâm canh như bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh, cỏ dại, sử dụng giống mè cho năng suất cao; đặc biệt, tiến hành nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mè nhằm giảm công lao động, thúc đẩy cây mè phát triển theo hướng thâm canh.

 Ngày 8/4/2014, tại nhà của bà Hồ Thị Ký ở ấp 3, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Trung tâm Khuyến nông Long An tổ chức hội thảo tổng kết mô hình. Trên 40 đại biểu tham dự hội thảo là đại diện của Bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, các công ty cùng nông tham gia mô hình trồng mè của xã Hưng Điền A và các xã lân cận.

 Theo Ts Mai Thành Phụng, trưởng bộ phận bộ phận thường trực TTKNQG phía Nam thì mè là loại cây trồng có thế mạnh, phù hợp trên vùng đất xám. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Do đặc tính vùng đất xám, nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém nên để đạt năng suất cao thì người trồng mè phải áp dụng biện pháp thâm canh, đầu tư phân bón, chú ý bón lót, nhất là phân hữu cơ, tăng cường phân lân, đảm bảo nước tưới ít nhất 4 lần trong vụ, áp dụng các biện pháp cơ giới hóa đồng bộ, thực hiện liên kết 4 nhà, thành lập tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ để thúc đẩy cây mè phát triển theo hướng thâm canh và bền vững trong thời gian tới.

 Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An cho biết trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, các nhà khoa học để tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển cây mè trên vùng đất xám, ứng dụng cơ giới đồng bộ, các tiến bộ kỹ thuật trong bón phân, chọn giống năng suất cao, chất lượng phù hợp với thâm canh. Trồng mè thâm canh theo hướng cơ giới hóa trên vùng đất xám là hướng đi phù hợp với chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có chuyển đổi diện tích tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn mà chủ lực là cây mè và cây bắp.

http://www.khuyennongvn.gov.vn
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài