SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chủ tịch WEF: Cách mạng 4.0 sẽ “định nghĩa” lại chúng ta là ai

[12/09/2018 09:07]

Ông Klaus Schwa, Chủ tịch điều hành WEF, cho rằng con người không nên quá phụ thuộc vào công nghệ, mà nên nắm bắt, tận dụng những công nghệ này để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Klaus Schwab, Chủ tịch WEF, cho rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia.

Sáng nay 11-9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã chính thức mở màn với Diễn đàn mở "ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Diễn đàn do WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nắm bắt, tận dụng công nghệ để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn

Phát biểu mở màn sự kiện, ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng, so với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba, Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… Cách mạng 4.0 sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống.

Là một trong những nhà kinh tế học đi tiên phong, dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Klaus Schwab khẳng định, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người sinh hoạt, như thế nào, mà còn “định nghĩa” lại xem chúng ta là ai”.

Theo ông, kết thúc cuộc CMCN 4.0 này, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất và tinh thần. Ông Klaus Schwab cho rằng, đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 này là tốc độ. Khi ông còn làm một kỹ sư, ông đã được chứng kiến sự thay đổi ấy, những thứ mà vài năm trước tưởng chừng như bất khả thi thì chỉ vài năm sau đã trở thành hiện thực.

Những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Đầu tiên, họ cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự chuyển mình này. Yếu tố quan trọng nhất, theo ông Klaus Schwab, là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngay cả khi trọng tâm của CMCN 4.0 là công nghệ, con người vẫn không nên quá phụ thuộc vào chúng, mà nên nắm bắt, tận dụng những công nghệ này để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chủ tịch WEF đánh giá cao việc tổ chức WEF tại Việt Nam, một trong quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực, với nhiều dự án khởi nghiệp năng động, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến tới CMCN 4.0 sắp tới. Ông mong rằng đây sẽ là nơi để lãnh đạo những dự án này có thể trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh về vai trò then chốt của giới trẻ như một lực lượng chủ chốt trong thời đại CMCN 4.0 sắp tới.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm của nền kinh tế

Trong bài phát biểu, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho rằng cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các công nghệ trọng tâm của cuộc CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 mang lại là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia, tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.

Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Hội nghị.

Bộ trưởng đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh

“Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN.

Phiên thảo luận đặc biệt này là sự hợp tác giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội từ 11/9 đến 13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Năm nay, 8 nước ASEAN sẽ có lãnh đạo tham dự, gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Singapore, Lào và Việt Nam.

Sự kiện dự kiến thu hút 800-1.000 đại biểu, thảo luận về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lãnh đạo 100 startup đại diện cho tinh thần khởi nghiệp của ASEAN cũng sẽ tham dự.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài