SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chính phủ sẽ tạo điều kiện để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bứt phá

[05/03/2019 16:33]

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với các doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bứt phá phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh khi kết luận Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” diễn ra sáng 22/2 tại Hà Nội.

Ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Việt Nam có lợi thế rất lớn về rừng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. 61/63 tỉnh/thành phố đều có rừng, với hơn 14,4 triệu ha rừng, chiếm 41,65% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó rừng tự nhiên là hơn 10,2 triệu ha và gần 4,2 triệu ha rừng trồng. Đồng thời rừng Việt Nam rất đa dạng sinh học, phù hợp cho phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao (quế, hồi, sâm Ngọc Linh, mây, tre…), được các thị trường quốc tế ưa chuộng.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao, cả ở thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, đứng thứ 6 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 9,38 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng nông sản.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về kim ngạch; chiếm 6% thị phần và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Toàn ngành hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Ngành mới chỉ đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất lao động chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động chưa tốt. Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng, đảm bảo yêu cầu về chứng chỉ phát triển rừng bền vững còn nhiều khó khăn; tính liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường còn yếu; công nghệ và quản trị doanh nghiệp, giá cả và mẫu mã chưa cạnh tranh. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia cũng chưa chú trọng đúng mức, thực hiện chưa hiệu quả…

Mục tiêu trở thành cường quốc thế giới về ngành gỗ

Trên cơ sở đánh giá kỹ tiềm năng, lợi thế, dự báo những thuận lợi, khó khăn của thị trường trong nước và quốc tế, qua ý kiến gợi ý thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các mục tiêu phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới, trong đó đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và toàn cầu.

“Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Về chỉ tiêu cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phấn đấu đạt ở mức cao hơn kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Đến năm 2020, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 12-13 tỷ USD, năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

“Quan trọng hơn, phải từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao”, Phó Thủ tướng nói. “Đây là những mục tiêu cao nhưng cũng rất thực tế nếu chúng ta nỗ lực, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt cơ hội thị trường”, Phó Thủ tướng khẳng định thêm.

Bứt phá từ cơ chế, chính sách

Chia sẻ với nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ - lâm sản có thể bứt phá phát triển trong thời gian tới, trước hết các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản.

“Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ, lâm sản”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

“Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động kiến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần tái cấu trúc các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trong đó chú trọng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, rà soát và hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp, lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản.

Khuyến khích phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung với công nghệ cao để tạo điều kiện hợp tác sản xuất, nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất, thiết kế, thương mại và xây dựng thương hiệu.

Các doanh nghiệp phải đi đầu trong việc đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt để tăng giá trị gia tăng làm động lực của tăng trưởng của ngành này trong thập niên tới. Cùng với đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, áp dụng mạnh mẽ công nghệ quản trị hiện đại, tận dụng tốt cơ hội của CMCN 4.0, hướng tới áp dụng chuẩn mực của quốc tế như EU và Hoa Kỳ về đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba được Phó Thủ tướng đề cập là đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trồng rừng (vốn, quỹ đất, mặt bằng…), khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến để đảm bảo nguồn cung gỗ ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trồng rừng. Triển khai có hiệu quả Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, tăng cường phát triển và sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đạt chứng chỉ rừng quốc tế.

Về phát triển thị trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động hội nhập, giữ vững thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng sang các thị trường mới.

Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực nghiên cứu thị trường, luật lệ quốc tế, phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra. Các cơ quan thương mại cần đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với thị trường quốc tế. Các bộ/ngành xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn để có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ, Phó Thủ tướng cho rằng cần thu hút sự tham gia các hiệp hội, doanh nghiệp; chú trọng đào tạo đội ngũ thiết kế, khuyến khích phát triển các viện nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, tổ chức các giải thưởng thiết kế; quy tụ và phát triển đội ngũ sáng tạo và thiết kế giỏi từ trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiêp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, về tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với các doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định và yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Theo baochinhphu.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài