SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quan ngại đối với Dự thảo của Ấn Độ về Dự thảo sửa đổi quy định nhập khẩu đồ chơi.

[14/03/2019 15:47]

Ngày 07/12/2017, Ấn Độ thông báo cho các nước Thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi quy định nhập khẩu đồ chơi trong thông báo mã G/TBT/N/IND/68. Biện pháp này sau đó đã vấp phải nhiều quan ngại từ các nước Thành viên WTO và được cho rằng có trở ngại không cần thiết đến thương mại quốc tế.

Ảnh minh họa

Các quan ngại cụ thể như sau:

- Đại diện của Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại đối với việc đồ chơi nhập khẩu vào Ấn Độ phải được kiểm tra bởi phòng thí nghiệm được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định Quốc gia và Phòng thí nghiệm Hiệu chuẩn (NABL) Ấn Độ. EU cho rằng việc này sẽ dẫn đến tốn kém và mất thời gian, đặc biệt đối với các nhà sản xuất ở các nước xuất khẩu phải thực hiện những thử nghiệm trùng lặp mà không đem lại hoặc đem lại rất ít giá trị gia tăng về mặt an toàn. Theo EU, biện pháp mới này thay thế biện pháp trước đó (theo biện pháp trước, đồ chơi nhập khẩu phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế (như ISO 8124) và những thử nghiệm được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm được công nhận theo ILAC MRA). Về vấn đề này, EU đề nghị Ấn Độ đưa ra lí do cho sự thay đổi chính sách này và Ấn Độ nên xem xét về việc cho phép tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan như là một phương án thay thế cho các tiêu chuẩn BIS. Ngoài ra, EU cũng đưa ra câu hỏi rằng liệu quy định sửa đổi này có chấp nhận chứng nhận NABL được cấp bởi các phòng thí nghiệm không nằm ở Ấn Độ hay không?

Về việc thực hiện, phái đoàn EU quan ngại rằng những khó khăn và sự chậm trễ mà các phòng thí nghiệm quốc tế phải đối mặt trong việc được NABL công nhận có thể dẫn đến việc sửa đổi quy định tương ứng. Ấn Độ được yêu cầu làm rõ rằng liệu các phòng thí nghiệm quốc tế đã áp dụng hay chưa và liệu các yêu cầu kiểm định có được xử lý nhanh chóng hay không? Vấn đề thời gian hiệu lực của các báo cáo thử nghiệm cũng được yêu cầu làm rõ vì sự không chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề cho các nhà sản xuất nước ngoài. Theo EU, một báo cáo thử nghiệm không nên có hiệu lực hạn chế nếu nó không có thay đổi về nguyên liệu hoặc quy trình sản xuất hoặc trong các tiêu chuẩn, và các báo cáo thử nghiệm sẽ còn hiệu lực trong tối thiểu 36 tháng. EU lưu ý rằng những câu hỏi này đã được gửi bằng văn bản đến Ấn Độ và mong muốn các câu trả lời sẽ được cung cấp trong cuộc họp Ủy ban hoặc song phương.

- Đại diện của Hoa Kỳ ủng hộ mục tiêu của Ấn Độ là đảm bảo an toàn cho đồ chơi nhưng cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc đối với bản sửa đổi này vì có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp đồ chơi Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ.

Hoa Kỳ đã rất ngạc nhiên về mức độ mà biện pháp áp dụng đối với đồ chơi nhập khẩu. Theo Hoa Kỳ, Ấn Độ trước đây đã sử dụng tiêu chuẩn được nhiều người cho là "tiêu chuẩn vàng" về đồ chơi, nghĩa là các nhà sản xuất đồ chơi có thể kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn đồ chơi theo tiêu chuẩn ASTM, ISO hoặc EN tại quốc gia sản xuất bởi một phòng thí nghiệm được công nhận theo hệ thống ILAC.

Biện pháp này đã được áp dụng ngay lập tức do các vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ em, mặc dù có nhiều yêu cầu, Ấn Độ đã không cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến việc đánh giá các rủi ro của đồ chơi. Do đó, Hoa Kỳ yêu cầu Ấn Độ phải cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở của tiêu chuẩn này. Theo sự hiểu biết của Hoa Kỳ, Ấn Độ có thể thay thế biện pháp hiện hành bằng một quy định mới áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất đồ chơi, cả trong nước và nước ngoài. Hoa Kỳ đề nghị Ấn Độ thông báo quy định mới và cho phép các bên quan tâm có cơ hội để góp ý. Năm 2016, Mỹ là nhà xuất khẩu đồ chơi lớn thứ bảy sang Ấn Độ, chủ yếu là đồ chơi đặc biệt từ các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Hoa Kỳ cũng là trụ sở của hai trong số các công ty đồ chơi lớn nhất thế giới, trong đó giá trị của thị trường đồ chơi Ấn Độ ước tính khoảng 75 - 100 triệu đô la trong năm 2016. Do đó, Hoa Kỳ coi tác động tiềm tàng của biện pháp này đối với thương mại là mối quan tâm sâu sắc.

- Đại diện của Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của Ấn Độ để đảm bảo an toàn cho đồ chơi nhưng vẫn bày tỏ quan ngại rằng quy định sửa đổi này chỉ phù hợp với tiêu chuẩn Ấn Độ, thay vì các tiêu chuẩn quốc tế, EU hoặc Hoa Kỳ đã được chấp nhận trước đây. Trung Quốc cho rằng quy định yêu cầu đồ chơi nhập khẩu phải được thử nghiệm bởi NABL, thay vì các phòng thí nghiệm được công nhận theo ILAC MRA đã gây ra chi phí cao hơn cho các doanh nghiệp đồ chơi ở Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng Ấn Độ có thể sửa đổi các quy định hiện tại của mình, để có thể chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, EU hoặc Hoa Kỳ và được thử nghiệm bởi các phòng thử nghiệm ILAC MRA. Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ thông báo biện pháp sửa đổi mới và cho phép các công ty có giai đoạn chuyển tiếp để điều chỉnh sản xuất và thích ứng với các yêu cầu mới.

- Đại diện Ấn Độ giải thích rằng biện pháp này đã được áp dụng thông qua thông báo DGFT số 26 ngày 01 tháng 9 năm 2017 về sửa đổi chính sách nhập khẩu đồ chơi và thông báo cho Ủy ban TBT mã thông báo G/TBT/N/IND/68 ngày 07 tháng 12 năm 2017. Như đã nêu trước đây, biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn của con người, đặc biệt là trẻ em và được dựa trên những phân tích và tài liệu nhận được từ các bên liên quan. Ấn Độ cho biết đã có phát hiện về việc đồ chơi nhập khẩu vào Ấn Độ không an toàn cho trẻ em từ góc độ sức khỏe và do đó, như một biện pháp khẩn cấp, đã có hành động để đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp và đánh giá sự phù hợp chính xác. Thông tin chi tiết về các mối lo ngại về an toàn đồ chơi đã được nêu rõ trong các tiêu chuẩn IS 9873 và IS 15644.

Theo Ấn Độ, quy định này được áp dụng như nhau đối với mọi doanh nghiệp trong nước do đó không có sự phân biệt đối xử. Số lượng phòng thử nghiệm được NABL công nhận là đủ và không có sự chậm trễ trong thử nghiệm. Hơn nữa, chi phí thử nghiệm thấp hơn so với quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ xác nhận rằng không có phòng thí nghiệm ngoài lãnh thổ Ấn Độ được NABL công nhận theo quy định này.

Theo tbt.gov.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ