SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nông thủy hải sản đối mặt rào cản xuất khẩu

[27/05/2019 16:50]

Tính đến đầu tháng 5-2019, hơn 16 mặt hàng Việt xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông thủy hải sản giảm mạnh, dù thuế suất tại nhiều thị trường mà Việt Nam là thành viên hiệp định thương mại đã về 0%.

Chế biến cà xuất khẩu tại một đơn vị
Ảnh: THÀNH TRÍ

Sức ép từ rào cản kỹ thuật

Phân tích từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng loạt mặt hàng nông thủy hải sản đang giảm mạnh. Trong đó, giảm mạnh nhất là cà phê, chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 22,6%. Kế đến là gạo, đạt 866 triệu USD, giảm 21,7%; hạt điều 884 triệu USD, giảm 16,9%; hạt tiêu 270 triệu USD, giảm 12%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, giảm 1,3%. Riêng rau quả có kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng không đáng kể, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 5,5%

Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân do sự sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%. Trong đó, mặt hàng thủy sản giảm mạnh đến 31,5%. 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trước đây thị trường xuất khẩu chính của hàng nông thủy hải sản Việt Nam là Trung Quốc vì tiêu chuẩn nhập khẩu ở thị trường này không đòi hỏi cao nên việc xuất khẩu khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng hàng loạt rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến hàng nông thủy hải sản xuất khẩu của nước ta giảm mạnh. 

Hiện Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngành chức năng trong 5 năm tới phải sửa đổi ít nhất 300 tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về phía nhà xuất khẩu đến từ các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, phải có tư cách pháp nhân, danh mục thực phẩm nhập khẩu đã đăng ký và được Cơ quan Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch (AQSIQ) của Trung Quốc xác nhận. Hàng hóa phải đóng gói (ngoại trừ hàng rời) và dán nhãn bằng tiếng Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ xuất xứ, thành phần sản phẩm… và xuất trình chứng từ chứng minh tiêu chuẩn đạt được do các cơ quan chức năng trong nước hoặc tổ chức độc lập chứng nhận.

Canh tác nhỏ lẻ không còn phù hợp

Tuy nhiên, do mô hình canh tác nông thủy hải sản  nước ta còn manh mún, phân tán nên chưa áp dụng đồng bộ trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm. Do vậy, khi Trung Quốc nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung áp dụng những rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mới thì rất nhiều hàng nông thủy hải sản Việt Nam đã bị chặng cửa. 

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, một nguyên nhân khác là hàng nông thủy hải sản nước ta xuất qua Trung Quốc chủ yếu do thương lái thực hiện, nên về tư cách pháp nhân không đầy đủ. Về phía nông dân cũng chưa nắm bắt kịp thời và đầy đủ những tiêu chuẩn mới liên quan đến chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, cần thiết phải có cơ quan chức năng phụ trách về vấn đề chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng này có đủ thẩm quyền để kiểm soát, chứng nhận, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, trồng trọt đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm nói chung khi lưu thông tại thị phần nội địa cũng như xuất khẩu. Đồng thời có trách nhiệm thu thập, phổ biến cũng như đưa ra dự báo, khuyến cáo về những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thay đổi tại các thị trường trên thế giới; từ đó có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong nước chuyển đổi kịp thời.

Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, để đảm bảo tính ổn định và bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ cần sớm giải quyết tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, thúc đẩy hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất theo chuẩn toàn cầu. Đặc biệt, tạo điều kiện tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại các nước phát triển châu Âu, châu Mỹ để có cơ hội khảo sát và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường.

Theo sggp.org.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài