SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tính bền vững của các mô hình canh tác có triển vọng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

[31/05/2019 16:30]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lan, Võ Quang Minh, Phạm Thanh Vũ và Thái Thành Dư - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Dưới sự tác động mạnh mẽ của nhu cầu con người, biến đổi khí hậu và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật; các loại hình sử dụng đất càng đòi hỏi tính thích nghi cao, hiệu quả bền vững đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Một điều tra cụ thể là rất cần thiết nhằm đánh giá một cách đồng loạt trên nhiều phương diện những yếu tố đáp ứng cho phát triển bền vững của một mô hình canh tác, trên cơ sở đó có định hướng phát triển, chiến lược quản lý, khai thác phù hợp với tiềm năng đất đai, đáp ứng với những thách thức và rủi ro của biến đổi khí hậu. Là địa bàn có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đa dạng về các mô hình canh tác và giàu tiềm năng cho phát triển kinh tế nông nghiệp;

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể trong lĩnh vực này, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nông nghiệp và nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch, ngành nghề sản xuất và vùng sản xuất hàng hóa được hình thành nhưng chậm mở rộng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế; các chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân chưa kịp thời; tiêu thụ hàng nông sản chủ lực như lúa, mía, khóm, thủy sản còn bấp bênh, công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển chậm (Nguyễn Văn Sánh và ctv, 2011).

Để đáp ứng yêu cầu và phương hướng chiến lược đã đề ra nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích: Đánh giá tính bền vững của các mô hình canh tác có triển vọng và chiến lược quản lý, khai thác tài nguyên đất đai của địa phương từ đó đề ra phương hướng, giải pháp canh tác các mô hình, đồng thời là cơ sở khoa học khách quan cho công tác hoạch định chiến lược quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra phỏng vấn nông hộ kết hợp với phương pháp tổng hợp, phân tích các dữ liệu, số liệu. Phần mềm Excel được sử dụng để tiến hành đánh giá tính bền vững bằng phương pháp cánh diều trên các kiểu sử dụng được chọn lọc, từ đó đề ra mô hình có triển vọng. Kết quả cho thấy có 5 mô hình gồm Lúa 3 vụ, Lúa 2 vụ, Cây ăn trái, Mía, Khóm được chọn để đánh giá tính bền vững. Mô hình đáp ứng tốt cả 3 mục tiêu phát triển bền vững là kinh tế, xã hội, môi trường là mô hình Khóm, Cây ăn quả, Lúa 2 vụ, Cơ cấu Mía có mục tiêu Kinh tế tốt, đạt được tốt mục tiêu Môi trường nhưng lại kém nhất về mục tiêu xã hội cần thêm sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Mô hình Lúa 3 vụ có hiệu quả cao về mặt xã hội và môi trường nhưng lại kém về kinh tế. Dựa trên đánh giá đa mục tiêu các mô hình sử dụng đất có triển vọng của tỉnh Hậu Giang, những cải tiến về chính sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững lâu dài cần được nghiên cứu đề xuất.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài