SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của gốc ghép và biện pháp phủ liếp đến bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanacearum) và năng suất của ớt hiểm lai, tại Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

[17/06/2019 15:57]

Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Thị Tố Chi - Học viên Cao học Ngành Khoa học Cây trồng, khóa 23, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Văn Hiếu, Lữ Thị Huỳnh Như - Sinh viên ngành Khoa học Cây trồng, khóa 41, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thu Trang, Phạm Đặng Quỳnh Anh - Sinh viên ngành Bảo vệ Thực vật, khóa 41, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Thị Ba và Võ Thị Bích Thủy - Khoa Nông nghiệp và sinh học Ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là phần đất nổi giữa sông Tiền, có diện tích đất bãi bồi lớn, đất đai màu mỡ thích nghi với các loại cây trồng, trong đó cây ớt là loại nông sản đặc thù. Diện tích trồng ớt 2.766 ha, chiếm hơn 50% diện tích ớt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và sản lượng đạt 30.428 tấn (Niên giám thống kê tỉnh Đồng Tháp, 2013). Sản xuất chủ yếu ở 5 xã Cù Lao, nhiều nhất ở xã Tân Hòa và Tân Huề. Ớt Thanh Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Ớt Thanh Bình” vì có chất lượng tốt hơn các vùng khác về mùi vị và độ cay (UBND tỉnh Đồng Tháp, 2013). Thị trường xuất khẩu là chính, nhiều nông dân làm giàu từ cây ớt, nên diện tích canh tác ớt đã tự phát gia tăng nhanh chóng, gấp 3 lần từ năm 2011 đến 2015. Để thúc đẩy phát triển sản xuất ớt, nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đê bao khép kín ở một số xã Cù Lao vào năm 2012 để có thể sản xuất quanh năm. Sau nhiều năm thâm canh ớt, đến nay nông dân phải đương đầu với bệnh héo xanh do vi khuẩn tấn công vào rễ làm chết cây hàng loạt ở giai đoạn ra nụ hoa đến trái chín thu hoạch. Việc phòng trị bệnh héo xanh rất khó khăn do vi khuẩn có phạm vi ký chủ rộng, khả năng lưu tồn trong đất lâu (Đỗ Tấn Dũng, 2004). Một trong những biện pháp có thể làm giảm tác hại của bệnh có nguồn gốc từ đất là sử dụng gốc ghép để tăng tính chống chịu cho cây, được sử dụng rộng rãi trên thế giới (Schwarz et al., 2010). Bên cạnh đó, trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường (mưa bão nhiều), cùng với tập quán sản xuất cũ trồng ớt không sử dụng màng phủ, làm đất bị xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, bộ rễ cây kém phát triển,… dẫn đến năng suất và sản lượng ớt giảm nhanh. Sử dụng màng phủ, lên liếp cao là một trong những biện pháp góp phần sản xuất ớt có hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và chất lượng ớt (Trần Thị Ba, 2016). Trước tình hình đó, việc chọn gốc ghép và biện pháp phủ liếp là cần thiết giúp cây ớt có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường đất như: mầm bệnh, ngập úng, khô hạn,... Kế thừa kết quả nghiên cứu của Trần Thị Ba (2016) tại huyện Thanh Bình, bước đầu xác định được 2 tổ hợp ớt ghép có triển vọng là gốc ghép Hiểm 27 và TN557 với ngọn hiểm lai 207 (Công ty Hai Mũi Tên Đỏ), nhưng thị trường xuất khẩu hiện nay ưa chuộng giống hiểm lai của công ty Chánh Phong hơn. Chính vì vậy đề tài “Ảnh hưởng của gốc ghép và biện pháp phủ liếp đến bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanacearum) và năng suất của ớt hiểm lai, tại Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp” cần thiết được thực hiện nhằm xác định hiệu quả của vật liệu phủ liếp và loại gốc ghép đến bệnh héo xanh và năng suất ớt tại Cù Lao huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Thí nghiệm được bố trí theo thể thức lô phụ gồm 2 nhân tố, với 4 lặp lại. Lô chính gồm 2 biện pháp phủ liếp là rơm và màng phủ; lô phụ gồm 3 giống ớt làm gốc là ớt địa phương, ớt TN557, Hiểm 27 và 2 đối chứng (ghép lên chính nó và không ghép). Kết quả về gốc ghép, ở Tân Hòa, cây ớt ghép trên gốc TN557 có tỉ lệ bệnh (18,8%) thấp hơn đối chứng không ghép (36,3%) ở giai đoạn kết thúc thu hoạch, năng suất trái 10,3 tấn/ha, cao hơn 25,0% so với hơn đối chứng không ghép và 32,1% so với đối chứng ghép lên chính nó. Ở Tân Huề, gốc TN557 cũng có tỉ lệ bệnh héo xanh (20,0%) thấp hơn đối chứng không ghép (38,8%) ở giai đoạn kết thúc thu hoạch, năng suất trái 5,44 tấn/ha, cao hơn 18,0% so với đối chứng không ghép và 23,4% so với đối chứng ghép lên chính nó. Vật liệu phủ liếp không ảnh hưởng đến bệnh héo xanh vi khuẩn, năng suất ớt trồng có sử dụng màng phủ là 9,63 tấn/ha, tương đương 33,0% cao hơn phủ rơm ở xã Tân Hòa và 5,17 tấn/ha, tương đương 30,5% cao hơn phủ rơm ở xã Tân Huề.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ