SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ong ký sinh Cotesia vestalis (Haliday) (Hymenoptera:Braconidae)

[17/06/2019 16:24]

Nghiên cứu do các tác giả: Đỗ Tiến Tài, Nguyễn Thị Phụng Kiều, Đặng Thị Ánh Kiều - Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Hồng Quyến - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Long An; Bùi Thị Kiều Oanh - Khoa Nông nghiệp, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Ngọc Bảo Châu - Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Rau xanh rất dễ bị tấn công bởi các loài sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu xám, rệp muội và đặc biệt là sâu tơ Plutella xylostella, là loài sâu hại chính trên rau họ cây thập tự với mức độ gây hại nghiêm trọng và tính kháng thuốc trừ sâu cao (Vũ Thị Chi và ctv., 2007; Trần Đình Chiến và ctv., 2008; Grzywacz et al., 2010; Phạm Thị Thùy, 2010), gây ra các bệnh hại rau làm giảm đi chất lượng nông sản (Nguyễn Thị Nhung, 2013). Biện pháp hóa học được người dân sử dụng để phòng trừ sâu hại rất phổ biến. Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh An Giang (2009), hằng năm, có khoảng 183.000 tấn phân hóa học các loại và khoảng hơn 1.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đổ xuống đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu và sử dụng tài nguyên côn trùng có giá trị kinh tế trên cây rau đã được thực hiện và đạt được nhiều kết quả, nhất là những nghiên cứu về thành phần sâu hại, thiên địch, sự phát triển và biện pháp phòng chống sinh học sâu hại rau trong nhà lưới nhằm phục vụ sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP (Good Agricultural Practices) thay thế cho việc sử dụng phương pháp canh tác ở ngoài đồng. Từ đó tiến hành nhân nuôi và thử nghiệm thả một số loài bắt mồi, ký sinh để phòng chống các loài sâu hại rau họ hoa thập tự.

Các mô hình sử dụng ong kí sinh để phòng trừ sâu hại đã được tiến hành tại nhiều quốc gia như Malaysia, Israel, Việt Nam. Các tỉnh trong nước như Lâm Đồng, Bình Dương, Gia Lai đã tiến hành với một số loại ong kí sinh như: Diadegma semiclausum, Cotesia vestalis. Trong đó, ong ký sinh đơn kén trắng Cotesia vestalis là loài chiếm ưu thế và đạt hiệu quả ký sinh cao (Hồ Thị Thu Giang, 2002; Vũ Thị Chi và ctv., 2007). Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học đã được thực hiện và kết quả kí sinh kiểm soát sâu tơ của ong ký sinh cũng đã được thực hiện. Bên cạnh đó, duy trì hệ sinh thái với những loài hoa có mật hoa sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho những con ong trưởng thành (Hogg et al., 2011; Nguyễn Văn Thước, 2011). Hơn nữa, nguồn carbohydrate (từ đường, mật hoa, dịch ngọt- honeydew) có trong hệ sinh thái giúp gia tăng sức sống của ong ký sinh; chất béo và đạm rất cần thiết cho quá trình sinh sản của ong cái (Giovanni, 2017). Nghiên cứu bởi Soyelu (2013) cho thấy loài Cotesia plutellae (Hymenoptera: Braconidae) đã kéo dài thời gian sống cả ong đực và cái khi sử dụng “beebread” (nguồn thức ăn ong mật thu được do kết hợp từ cả phấn hoa và mật hoa). Các họ thực vật gây ra sự gia tăng lớn nhất tuổi thọ của ong đối với các loài có tuyến mật phơi ra (Họ Hoa tán, Họ Hoa hồng) trong khi với các họ có tràng hoa phức tạp hoặc sâu (Họ Đậu, Họ Hoa môi), tuổi thọ của ong sẽ nhỏ hơn. Cấu trúc hoa không chỉ là yếu tố quyết định sự sẵn có của mật hoa mà còn có ý nghĩa trong việc thu hút ong ký sinh (Baggen et al., 1999). Các chu kỳ sinh trưởng của hoa có thể ảnh hưởng đến việc ong có thể tìm thức ăn trên một cây trồng vào một thời điểm cụ thể (Idris and Grafius, 1995). Cây có thể nuôi dưỡng côn trùng sản xuất đường ở dạng mật ong hoặc các bài tiết khác mà ong sử dụng để trưởng thành, nhưng chất lượng khác nhau. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá loài cây chủ ưa thích của sâu tơ và ảnh hưởng của nguồn thức ăn từ một số loài hoa đến sức sống và khả năng ký sinh của ong Cotesia vestalis.

Qua quá trình nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các chỉ tiêu và thức ăn cải ngọt là có hiệu quả nhất so với cải xanh và cải rổ cho sự phát triển Plutella xylostella. Đối với ong Cotesia vestalis, khi sử dụng loại thức ăn là mật ong 30%, tuổi thọ của ong sẽ là 4.33 ± 0.13 ngày đối với con đực và 7.00 ± 0.03 ngày đối với con cái. Hơn nữa, nguồn thức ăn từ hoa sao nhái cũng giúp gia tăng sức sống của ong đực 4.00 ± 0.01 ngày và 4.20 ± 0.14 ngày đối với ong cái so với đối chứng là nước lã (P<0.05). Tỉ lệ ong kí sinh sâu tơ tương đối cao lần lượt là 80% và 68% khi ong được cung cấp nguồn thức ăn từ mật ong hoặc hoa sao nhái, tối ưu hơn so với đối chứng. Kết quả cho thấy vai trò của việc duy trì nguồn dinh dưỡng từ các loại hoa trong sinh thái sẽ có lợi cho các loài ong ký sinh trên đồng ruộng.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ