SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cải thiện đặc tính bất lợi của đất phèn nhiễm mặn và năng suất lúa qua sử dụng phân hữu cơ và vôi trong điều kiện nhà lưới

[18/06/2019 16:39]

Nghiên cứu do các tác giả: Lê Văn Dũng, Tất Anh Thư, Nguyễn Duy Linh - Khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và Võ Thị Gương - Trường Đại học Tây Đô thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Mô hình nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa trên đất phèn nhiễm mặn tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang được đánh giá là hiệu quả và góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các trở ngại của đất phèn nhiễm mặn như: pH đất thấp, hàm lượng độc chất Fe, Al cao, thiếu dưỡng chất P, Ca, N (Dent, 1986), nhôm hòa tan trong đất cao gây giảm độ dài rễ, giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng nhất là Ca và Mg, ức chế dự phát triển của cây lúa (Ridolf and Garrec, 2000; Horst et al., 2009). Sự oxy hóa tầng pyrite ở những ao nuôi tôm trên vùng đất phèn có thể làm chua hóa một vùng rộng lớn và do đó gây tác động về kinh tế và môi trường (Võ Thị Gương và ctv., 2016). Nhiều nghiên cứu cho thấy năng suất lúa trồng trên đất phèn có thể đạt đến 4,5 tấn/ha khi đất được cung cấp thêm vôi với liều lượng là 2 tấn/ha/năm (Suswanto et al., 2007; Shamshuddin and Fauziah, 2010, Shamshuddin et al. 2010). Nghiên cứu trước đây của Lâm Văn Tân và ctv. (2014 a,b); Võ Thị Gương và ctv. (2016) ghi nhận phân hữu cơ và vôi giúp cải thiện năng suất lúa trên đất nhiễm mặn có ý nghĩa khi bón 5 T/ha phân hữu cơ và 0,5 T/ha. Thí nghiệm dài hạn của Xu et al. (2002); Shamshuddin (2006) cho thấy hiệu quả của việc cung cấp giúp gia tăng hàm lượng N, P, K và Ca trong đất, giúp giảm ngộ độc Al. Chất hữu cơ trong đất là một chỉ thị về chất lượng đất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì độ phì nhiêu đất lâu dài, do sự cải thiện tốt đặc tính hóa lý và sinh học đất (Fageria, 2012). Chất hữu cơ có thể tạo chelate với Al, giúp giảm Al trao đổi, Al di động gây bất lợi cho cây trồng (Muhrizal et al., 2003; Võ Thị Gương và ctv., 2016). Kết quả nghiên cứu của Nayak et al. (2007) cho rằng sử dụng phân hữu cơ và vô cơ cho đất canh tác lúa giúp hoạt động vi sinh vật đất gia tăng, cây lúa tăng trưởng và đẻ nhánh tối đa so với chỉ bón phân vô cơ đơn thuần. Kết quả nghiên cứu của Xu et al. (2002) đã ghi nhận được nghiệm thức bón ½ phân bón vô cơ và ½ lượng phân bón hữu cơ giúp tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, tăng năng suất lúa và hàm lượng chất hữu cơ trong đất. Bón bổ sung 20 tấn phân bã bùn mía cho hàm lượng chất hữu cơ dễ phân hủy, đạm hữu cơ dễ phân hủy và năng suất lúa cao nhất, khác biệt có ý nghĩa, giúp cải thiện tình trạng cung cấp dinh dưỡng từ đất và gia tăng năng suất lúa trong điều kiện đất đã bị mất tầng đất mặt (Võ Thị Gương và ctv., 2010). Trên vùng đất chịu tác động của đất phèn và đất mặn, nghiên cứu cải thiện hai đặc tính bất lợi kết hợp của hai nhóm đất này là rất cần thiết. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trước đây, thí nghiệm được thực hiện nhằm cung cấp số liệu cơ sở về hiệu quả của bón phân hữu cơ và vôi đến cải thiện tính chất bất lợi của đất phèn nhiễm mặn, tăng lượng dinh dưỡng trong đất và cải thiện năng suất lúa.

Thí nghiệm được thực hiện trong vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 tại khu nhà lưới Bộ môn Khoa học Đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Giống lúa thí nghiệm là giống OM10252, được đánh giá có khả năng thích ứng tốt đối với các vùng đất phèn nhiễm mặn với chất lượng gạo tốt. Mẫu đất trong thí nghiệm được thu vào đầu vụ tôm từ mô hình canh tác tôm - lúa tại ấp Kinh 3, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang thuộc nhóm đất phèn nhiễm mặn nhẹ, đất có tầng gleyic và tầng pyrite xuất hiện ở độ sâu 20 - 30 cm, tên phân loại đất là Hyposalic - Fluvisols (Epi proto thionic) theo FAO (2006). Thí nghiệm trồng lúa trong chậu được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại của 6 nghiệm thức bao gồm đối chứng chỉ bón phân vô cơ. Các nghiệm thức sử dụng phân bón bao gồm phân hữu cơ (với liều lượng 5 tấn/ha phân hữu cơ bã bùn mía, 5 tấn/ha Bio Pro, bón kết hợp hoặc không với 500 kg CaCO3/ha), và chỉ bón vôi. Kết quả thí nghiệm cho thấy việc sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vôi giúp gia tăng độ pH của đất, giảm độc chất nhôm, giảm phần trăm natri trao đổi trên phức hệ hấp thu, đồng thời gia tăng hàm lượng đạm và lân hữu dụng trong đất, tăng khả năng chống chịu mặn của cây lúa. Từ đó giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất trên đất phèn nhiễm mặn. Dựa trên các kết quả khả quan của nghiên cứu này, cần triển khai thêm ở thí nghiệm đồng ruộng để kiểm tra kết quả và đưa ra các khuyến cáo thực tế.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ