SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự đa dạng và phân bố cây làm thuốc mọc hoang tại Núi Cấm, An Giang

[10/07/2019 16:30]

Nghiên cứu do các tác giả: Phùng Thị Hằng - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, Phan Thành Đạt - Học viên cao học ngành Sinh thái, khóa 25, Trường Đại học Cần Thơ, Huỳnh Thanh Thiên - Học viên cao học ngành Sinh thái, khóa 24, Trường Đại học Cần Thơ, Trần Quốc Hão - Học viên cao học ngành Quản lý môi trường,khóa 23, Trường Đại học Cần Thơ và Ngô Thanh Phú - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Sơ đồ tuyến đường thu mẫu ở núi Cấm

Được thiên nhiên ưu đãi, Núi Cấm thuộc vùng Bảy Núi tỉnh An Giang có độ cao trên 700 m, chêch lệch vùng đồng bằng hơn 400 m, độ ẩm trung bình 80%, với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, 2009). Đây là những điều kiện thuận lợi cho cây cối phát triển quanh năm, đặc biệt là nguồn thảo dược với nhiều chủng loại. Do có môi trường trong lành, không có nguy cơ ô nhiễm nên chất lượng cây thuốc ở đây được xác định là tốt (Nguyễn Đức Thắng, 2012). Song, với áp lực kinh tế và nhu cầu điều trị bệnh bằng đông y ngày càng tăng nên việc khai thác nguồn dược liệu diễn ra mạnh mẽ dẫn đến các sinh cảnh và thảm thực vật ở đây liên tục bị tác động, thay đổi. Cho đến nay đã có nhiều dự án xây dựng mô hình phát triển một số dược liệu tại Núi Cấm nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác hợp lý, đúng qui định (Hội đồng nhân dân Tỉnh An Giang, 2016). Tuy nhiên, các dự án này chỉ tập trung vào một số đối tượng có giá trị kinh tế, chưa thật sự chú trọng đến tiềm năng nhóm cây hoang dại. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Lý và ctv. (2016) cho thấy phần lớn diện tích rừng núi Cấm là rừng trồng với các loại cây mọc nhanh như: Keo lá tràm, Keo tai tượng kết hợp với các loại cây gỗ quý: Sao, Dầu, Giáng hương và cây ăn quả lâu năm. Rừng tự nhiên có diện tích không nhiều và mặc dù chỉ còn là rừng thứ sinh, nhưng vẫn có giá trị rất lớn. Với xu hướng sử dụng nguồn dược liệu trong nước ngày càng tăng, việc tìm kiếm, xác định giá trị các loại cây mọc hoang được quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây. Điều tra cây thuốc mọc hoang tại núi Cấm, không chỉ tìm kiếm nguồn thuốc mới, phục vụ cho các định hướng nghiên cứu về khai thác nuôi trồng hợp lý mà còn tạo cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái khu vực này.

Nghiên cứu đa dạng và sự phân bố cây làm thuốc mọc hoang tại núi Cấm – An Giang đã sử dụng phương pháp điều tra thực địa trên tuyến với mục tiêu khảo sát, xác định sự đa dạng và phân bố cây thuốc mọc hoang để tìm kiếm nguồn dược liệu mới và tạo cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo tồn. Kết quả thu được 120 loài, thuộc 107 chi, 54 họ của 2 ngành thực vật là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Ngọc lan (Magnoliophyta) là ngành đadạng nhất với 117 loài, 104 chi, 51 họ. Hệ thực vật trong phạm vi nghiên cứu có 4 nhóm dạng sống trong đó nhóm cây dạng thân thảo có số loài nhiều nhất với 44 loài và thấp nhất là nhóm cây thân gỗ với 21 loài. Rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc với tỉ lệ cao nhất. Thấp khớp, nhức mỏi, ho, sốt và tiêu chảy là các nhóm bệnh sử dụng cây thuốc ở đây điều trị hiệu quả nhất. Sáu loài thực vật được phát hiện có trong Sách đỏ Việt Nam (Bộ khoa học và công nghệ và Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, 2007) được xếp vào mức độ sẽ nguy cấp (EN). Các cây làm thuốc mọc hoang ở Núi Cấm tập trung ở độ cao 400 – 500 m tại các sinh cảnh rừng rậm, lối mòn có ít người đi lại.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần A (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài