SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng khai thác cá sửu Boesemania microlepis (Bleeker, 1858) trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long

[11/07/2019 16:17]

Nghiên cứu do các tác giả: Mai Viết Văn, Nguyễn Thị Vàng - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, Nguyễn Hoàng Linh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, Nguyễn Ngọc Hiền - Chi cục Thủy sản Cần Thơ và Đặng Thị Phượng thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cá sửu Boesemania microlepis (Bleeker, 1858) thuộc bộ cá vược (Perciformes), họ cá đù (Sciaenidae) và được phân bố ở lưu vực sông Mekong tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Indonesia (Baird, 2011). Cá sửu là loài cá được khai thác hoàn toàn ở các thủy vực tự nhiên với kích cỡ biến động 20-30 cm/cá thể. Cá lớn nhất đã được tìm thấy có chiều dài tổng hơn 100 cm, khối lượng khoảng 18 kg/con (Baird et al., 2001). Chất lượng thịt cá sửu rất thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, chính vì thế giá trị thương phẩm của cá sửu hiện nay khá cao, trở thành một trong những đối tượng khai thác chính không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả trong khu vực sông Mekong. Do cường lực khai thác cao nên quần đàn cá sửu trong các thủy vực tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, cá sửu đã được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế liệt kê vào danh sách các loài sắp bị đe dọa (Baird, 2011). Đến nay, các công trình nghiên cứu về cá sửu ở trên thế giới và Việt Nam chưa được công bố nhiều. Baird et al., (2001) đã nghiên cứu về sinh thái và bảo tồn cá sửu phân bố ở các suối chính tại Nam Lào. Chittapalapong et al., (2014) công bố nhiên cứu về tập tính dinh dưỡng của cá sửu tại Đầm Kraseaw (Thái Lan). Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất công trình nghiên cứu mô tả về các đặc điểm hình thái phân loại cá sửu ở Đồng bằng sông Cửu Long bởi Trần Đắc Định và ctv., (2013).

Hiện trạng khai thác cá sửu Boesemania microlepis trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long được nghiên cứu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2017 thông qua phương pháp phỏng vấn 90 hộ ngư dân khai thác cá sửu bằng bảng câu hỏi soạn sẵn. Kết quả cho thấy cá sửu được khai thác quanh năm trên sông Hậu, mùa vụ khai thác tập trung từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 7 đến tháng 11 (ÂL) hằng năm. Sản lượng cá sửu trên sông Hậu hiện nay suy giảm hơn 45% so với cách đây 5 năm. Sản lượng trung bình cá sửu khai thác cao nhất ở đầu nguồn, kế đến là cuối nguồn và thấp nhất ở giữa nguồn sông Hậu. Cá sửu được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng cá tươi cho thương lái tại địa phương. Khó khăn chính của nghề khai thác cá sửu là sản lượng khai thác luôn suy giảm, giá cả sản phẩm biến động không ổn định, ngư dân thiếu thông tin về thị trường nên bị thương lái ép giá. Đa phần các hộ ngư dân làm nghề khai thác lưới kéo đều thiếu vốn để đầu tư cho hoạt động khai thác. Thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng cá sửu trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ