SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân vùng chất lượng nước nuôi trồng thủy sản ở đầm Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế

[11/07/2019 16:44]

Nghiên cứu do các tác giả: Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Ngọc Út và Nguyễn Thị Ngọc Anh - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là một thủy vực nước lợ ven biển điển hình, có diện tích gần 22.000 ha, đây là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á (Nguyễn Đính và Phạm Thị Diệu My, 2005). Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều hòa dòng chảy, ngăn chặn sự xâm nhập mặn, ngoài ra nó còn được khai thác để phục vụ giao thông, du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhìn chung, môi trường nước lợ của đầm phá đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân bố và phát triển đa dạng của các sinh vật thủy sinh, mang lại một nguồn lợi thủy sản đáng kể cho cộng đồng hơn 300.000 cư dân sinh sống ven bờ. Hàng năm, hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại được khai thác trên vùng đầm phá. Những năm gần đây, hoạt động NTTS trên toàn quốc nói chung và ở Thừa Thiên - Huế nói riêng đang phát triển mạnh. Năm 2016, diện tích nuôi tôm của tỉnh Thừa Thiên Huế là 2.937 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt 2.387 ha do tỉnh có lợi thế đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Tổng cục Thủy sản, 2017).

Hiện nay, hoạt động NTTS ven đầm Cầu Hai diễn ra rất mạnh mẽ. Bên cạnh những tác động tích cực và hiệu quả kinh tế mang lại thì hoạt động NTTS tác động không hề nhỏ đến môi trường đặc biệt là môi trường nước. Nước thải từ NTTS đặc biệt là nước thải chưa qua xử lý xả thẳng vào đầm phá gây ô nhiễm môi trường, mang theo mầm bệnh vào nước đầm phá, dễ lây lan dịch bệnh sang các ao nuôi khác. Vấn đề lây lan dịch bệnh do không xử lý nước thải khi thải ra môi trường để lại hậu quả nặng nề về môi trường đầm phá cũng như kinh tế của người dân (Trương Văn Đàn và ctv., 2015).

Tôm sú và tôm thẻ được nuôi phổ biến ở ven đầm Cầu Hai. Chất lượng nước cấp vào ao nuôi tôm sú và tôm chân trắng phải đảm bảo các yêu cầu như: nhiệt độ (18 – 33oC), pH (7 - 9), DO (≥ 3,5 mg/L), độ mặn (5 - 35‰), độ kiềm (60 – 180 mg/L), NH3 (< 0,3 mg/L) theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT (gọi tắt là QCVN 02); BOD5 (4 mg/L), P-PO4 (0,1 mg/L), tổng coliform (2500 MPN/100mL) theo cột A1, QCVN08-MT:2015/BTNMT (gọi tắt là QCVN 08) cho mục đích bảo tồn động thực vật thủy sinh; N-NO3 (5 mg/L) theo QCVN38:2011/BTNMT (gọi tắt là QCVN 38).

Trong lĩnh vực thủy sản, hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã được ứng dụng kể từ giữa những năm 1980. Đầu thập kỷ 90 thì GIS mới áp dụng rộng rãi vào nghiên cứu các vùng NTTS, không chỉ dữ liệu về nguồn và vị trí mà còn cả các dữ liệu về kinh tế thị trường, xã hội cũng được sử dụng trong GIS thời điểm này (Aguilar-Manjarrez và Ross, 1995). Ứng dụng GIS trong khoa học thủy sản mang lại khả năng phân tích và biểu diễn rất nhiều dữ liệu được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Các dữ liệu trong hệ thống thông tin địa lý có khả năng biểu diễn mối tương quan giữa nhiều yếu tố lý, hóa và các yếu tố sinh học trong môi trường nước. Vì thế, GIS có khả năng hỗ trợ quản lý, lập ra kế hoạch, quyết định việc phát triển khai thác cũng như bảo tồn nguồn lợi thủy sản (Meaden và Do, 1996). Vì vậy, nghiên cứu phân vùng chất lượng nước NTTS ở đầm Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tiến hành để quản lý tốt môi trường vùng đầm phá, làm cơ sở để đánh giá chất lượng nước một cách tổng quát, làm nguồn dữ liệu để xây dựng bản đồ phân vùng chất lượng nước, đồng thời cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng một cách đơn giản, dễ hiểu, trực quan và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Từ đó, xây dựng những biện pháp hạn chế ô nhiễm từ chất thải, hóa chất, quản lý việc sử dụng nước và phục vụ cho hoạt động NTTS của địa phương.

Phân vùng chất lượng nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở đầm Cầu Hai được thực hiện bằng cách so sánh với các bộ tiêu chuẩn (QCVN02- 19:2014/BNNPTNT,QCVN08-MT:2015/BTNMT,QCVN38:2011/BTNMT) dưới sự hỗ trợ của công nghệ GIS. Các yếu tố nhiệt độ, DO, nitrate thích hợp cho hoạt động NTTS. Giá trị pH phù hợp cho hoạt động NTTS vào mùa khô là 100% diện tích và mùa mưa là 79,4% diện tích. Độ mặn hầu hết phù hợp để lấy nước nuôi tôm. Độ kiềm không phù hợp cho NTTS ở mùa mưa và mùa khô lần lượt là 88,04% và 28,92%. Hàm lượng BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng phosphate không phù hợp cho hoạt động NTTS 91,13% diện tích vào mùa mưa và 53,57% vào mùa khô. Hàm lượng NH3 vượt giới hạn cho phép với 41,68% diện tích (mùa mưa) và 36,55% diện tích (mùa khô). Tổng coliform cao hơn giới hạn cho phép với 63,33% diện tích (mùa mưa) và 44,19% diện tích (mùa khô).

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài