SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm hình thái học và sinh học phân tử của loài sán dây chủ yếu gây tác hại trên chó tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

[12/07/2019 09:25]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Phi Bằng - Khoa Nông Nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, Nguyễn Hồ Bảo Trân và Nguyễn Hữu Hưng - Khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Đặc điểm hình thái phần đầu của loài sán dây D. Caninum

Loài chó được con người thuần hóa từ rất sớm và được nuôi rộng rãi ở khắp các quốc gia trên thế giới, ít nhất cũng 10.000 năm. Chó nhà là họ hàng của chó sói, đã từng sống hoang dã ở khắp Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ (Phạm Ngọc Thạch, 2010). Cho đến nay, trên thế giới hiện có khoảng 400-450 giống chó (Lê Văn Thọ, 2010). Nhiều nghiên cứu cho thấy chó có mối gắn kết rất thân thiết với trẻ em trong gia đình, mang lại nhiều niềm vui cho các thành viên trong gia đình (Paul and Serpell, 1996). Hiện nay, số lượng chó nuôi ở nước ta tại các hộ gia đình rất lớn, có đến hơn 9 triệu con, trong khi đó Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 1,1 triệu con chiếm hơn 12% tổng đàn của cả nước (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, 2016). Chó là người bạn thân thiết và gần gũi nhất của con người, nên chó cũng là một trong những nguồn truyền lây bệnh từ động vật sang người. Trong đó, bệnh do sán dây trên chó là những bệnh tiềm tàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chó và cả con người. Thói quen nuôi chó thả tự do là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng làm cho mầm bệnh lây lan và phát tán rất khó kiểm soát (Tylkowska et al., 2010; Abdi et al., 2013). Xác định loài sán dây chủ yếu gây tác hại trên chó có khả năng lây truyền sang người và mô tả đặc điểm hình thái học, sinh học phân tử của loài sán dây này là công tác hết sức quan trọng trong việc phòng chống bệnh sán dây trên chó và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định loài sán dây phổ biến nhất gây tác hại chủ yếu trên chó nuôi tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang). Đề tài đã xác định các đặc điểm hình thái và sinh học phân tử của loài sán dây này. Có 882 cá thể chó được mổ khám trong nghiên cứu bằng phương pháp mổ khám toàn diện Skrjabin, chó nhiễm sán dây với tỷ lệ chung là 26,30%. Kết quả cho thấy, 5 loài sán dây ký sinh trên chó nuôi là Dipylidium caninum, Spirometra mansoni, Taenia pisiformis, Taenia hydatigena và Diphylobothrium latum, trong đó, Dipylidium caninum là loài sán dây thuộc bộ Cyclophylidae, có tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm cao nhất. Đề tài đã mô tả chi các đặc điểm hình thái chi tiết để nhận dạng sán dây qua các bộ phận cấu tạo khác nhau như: đốt đầu, đốt cổ, đốt trưởng thành, đốt chửa và trứng của chúng. Các đoạn sán dây này được giải trình tự gen và so sánh với chuỗi DNA của sán dây Dipylidium caninum khác đã đăng ký trên Ngân hàng gen thế giới (National center for Biotechnology Information), Mỹ. Kết quả chỉ ra rằng chuỗi DNA của sán dây trong nghiên cứu có độ tương đồng cao (96%) so với loài sán dây Dipylidium caninum của Mỹ trên Ngân hàng gen thế giới với mã đăng ký là AF023120.1.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài