SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và khảo sát sự đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Escherichia coli trên vịt tại tỉnh Vĩnh Long

[16/07/2019 14:30]

Nghiên cứu do các tác giả: Cao Thuấn - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long; Lý Thị Liên Khai - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Vi khuẩn Escheriachia coli là một trong những loài vi khuẩn chính sống ký sinh trong đường ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và động vật có vú). Vi khuẩn E. coli hiện diện phổ biến khắp cơ thể gây ra hội chứng lâm sàng do nhiễm bệnh E. coli với các chủng khác nhau: bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng viêm màng não và bệnh đường ruột hay tiêu chảy (James and James, 2010). Bệnh do vi khuẩn E. coli xảy ra tất cả các lứa tuổi, các giống, đặc biệt vịt con thường xuyên bị ảnh hưởng với mức độ nghiêm trọng hơn vịt thịt, vịt đẻ (Harry, 1957). Vi khuẩn E. coli xâm nhập vào đường ruột bằng cách trực tiếp hay gián tiếp của vịt (Gyles 1992). Khi các điều kiện nuôi dưỡng, khẩu phần thức ăn, vệ sinh thú y kém, sức chống đỡ bệnh tật của con vật yếu, vi khuẩn E. coli trở nên cường độc và có khả năng gây bệnh. Chủng huyết thanh của E. coli hiện nay có khoảng 180 kháng nguyên O, 60 type kháng nguyên H và 80 type kháng nguyên K (Barnes et al., 2008). Năm 2015, Sa Đình Chiến đã nghiên cứu tình hình bệnh tiêu chảy do E. coli ở ngan, vịt tại tỉnh Sơn La và kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh chết do E. coli trên vịt là 9,16%. Nguyễn Thu Tâm (2012) đã báo cáo tỷ lệ nhiễm E. coli trên 160 con vịt tại 03 huyện Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt thuộc Thành phố Cần Thơ cho thấy bệnh tích đặc trưng vi khuẩn E. coli trên gan (75%), lách (67,5%) và tim (16,88%). Kết quả phân lập vi khuẩn E. coli với 75 con vịt Bầu và vịt Đốm tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên của Đặng Thị Vui và Nguyễn Bá Tiếp (2016), trong đó chủng E. coli phân lập từ vịt Bầu thuộc 6 serotype O, trong đó O55 chiếm tỷ lệ cao nhất (33,3%), tiếp đến là O125 (25%), O167 (16,7%) và 3 serotype O44, O157, O158 cùng chiếm 8,33%. Serotype O2 và O78 không được tìm thấy trong các chủng phân lập. Tổng số 33 chủng E. coli phân lập trên vịt Đốm thuộc về 5 kháng nguyên O. Trong đó, O168 chiếm tỷ lệ cao nhất (36,36%), tiếp đến là O26 (27,3%), O44 (18,2%), O1 và O127a cùng chiếm tỷ lệ 9,1%.

Vĩnh Long là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và chăn nuôi đã trở thành truyền thống của các hộ gia đình, trong đó vịt là đối tượng vật nuôi được ưa chuộng nhất, thường gắn liền hệ thống canh tác lúa nước lâu đời. Vĩnh Long đang tồn tại hai phương thức chăn nuôi: nuôi chạy đồng và nuôi nhốt. Đặc biệt, chăn nuôi vịt chạy đồng giúp người chăn nuôi có thể tiết kiệm rất lớn chi phí về thức ăn. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi này có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh xảy ra trên đàn vịt chạy đồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất và gây thiệt hại nặng nề về nền kinh tế cho người chăn nuôi, trong đó có rất nhiều bệnh như: cúm gia cầm, dịch tả, bại huyết, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đặc biệt bệnh do vi khuẩn E. coli gây ra rất phổ biến. Từ những vấn đề trên, nghiên cứu nhằm tiến hành khảo sát, phân lập tỷ lệ bệnh do vi khuẩn E. coli gây ra, định danh các chủng serotype và kiểm tra sự đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn E. coli đối với kháng sinh.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 8/2017. Phương pháp phân lập vi khuẩn Escherichia coli được thực hiện theo quy trình của Barrow and Feltham (2003) và tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 5155-90. Kết quả cho thấy có 2.238 con vịt bệnh/44.750 con khảo sát từ 52 đàn, chiếm tỷ lệ 5%. Kết quả phân lập cho thấy 200 mẫu phân vịt bệnh đều dương tính với vi khuẩn E. coli chiếm tỷ lệ 100%, cao nhất là phổi (80,5%), kế đến tủy xương (75,5%), gan (74%) và thấp nhất ở lách (71%). Bệnh do vi khuẩn E. coli phụ thuộc vào giống vịt: vịt siêu thịt (61%) chiếm tỷ lệ cao hơn vịt cỏ (39%). Vịt dưới 30 ngày tuổi (51%) có tỷ lệ bệnh cao hơn vịt trên 90 ngày tuổi (26,5%) và 31 đến 90 ngày tuổi (22,5%). Các chủng E. coli O1 (12,73%), O78 (10,91%), O111 (8,18%), O35 (8,57%), O18 (7,27%), O92 (5,71%), O36, O81 và O93 đều chiếm tỷ lệ 2,86% và không phát hiện chủng O2. Vi khuẩn E. coli đã đề kháng trung bình với ampicillin (54,44%), streptomycin (53,85%), trimethoprim/ sulfamethazole (53,85%) và tetracycline (52,07%) và đã đa kháng từ 2 đến 12/13 loại kháng sinh kiểm tra với 79 kiểu hình đa kháng rất đa dạng và phức tạp. Các kháng sinh còn nhạy cảm có thể sử dụng điều trị bệnh do E. coli trên vịt là cefuroxime (97,63), doxycycline (91,72%), florphenicol   (91,12%),   amikacin   (90,53%),   ciprofloxacin   (82,25%), ceftazidime (75,74%), colistin (75,15%), ofloxacin (65,68%), gentamycin (65,09%).

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ