SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán - nghiên cứu tại Trường Đại học Tiền Giang

[18/07/2019 08:51]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Minh Nhã - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tiền Giang và Nguyễn Thị Thanh Thủy - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Chuyên ngành kế toán đang được đào tạo ở các trường đại học trong cả nước với kết quả đào tạo đã đáp ứng khá tốt nguồn nhân lực về kế toán. Hiện nay, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành kiểm định các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các tiêu chuẩn qui định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Tuy nhiên, việc đánh giá và đo lường chất lượng dịch vụ là rất khó khăn và chất lượng dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi nhận thức của khách hàng về dịch vụ và có mối quan hệ với sự hài lòng của khách hàng.

Để đánh giá đo lường chất lượng dịch vụ, một số mô hình đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trên thế giới. Thang đo SERVQUAL dùng để đo lường nhận thức của khách hàng bao gồm 5 nhân tố của chất lượng dịch vụ (Parasureman et al., 1988). Sau đó, thang đo SERVPERF được đưa ra với 5 nhân tố và 22 biến quan sát (Cronin and Taylor, 1992). Trong lĩnh vực giáo dục, một số nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa sự hài lòng của sinh viên kinh doanh và mục đích của sinh viên khi học tại một trường đại học hoặc cao đẳng (Ali and Oscar, 2004). Một số nghiên cứu đưa ra định nghĩa chất lượng (Harvey and Green, 1993), các yếu tố đánh giá chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học (Snipes and Thomson, 1999; Siskos et al., 2005).

Một số tác giả ở Việt Nam đã vận dụng các mô hình này để đo lường chất lượng dịch vụ đào tạo tại các trường đại học cụ thể. Các nghiên cứu đưa ra những nhân tố chủ yếu liên quan đến chương trình đào tạo, giảng viên và sinh viên (Lại Xuân Thủy và Phan Thị Minh Lý, 2011; Nguyễn Thị Bảo Châu và Thái Thị Bích Châu, 2013; Nguyễn Thị Thùy Dung, 2015; Lê Thị Anh Thư và Nguyễn Ngọc Minh, 2016). Một số nghiên cứu đưa ra nhân tố liên quan đến cơ sở vật chất và chương trình hỗ trợ (Nguyễn Thị Bảo Châu và Thái Thị Bích Châu, 2013; Lê Thị Anh Thư và Nguyễn Ngọc Minh, 2016; Phạm Thị Liên, 2016).

Dựa vào các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam, nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Tiền Giang.

Mô hình lý thuyết được phát triển dựa trên nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dung (2015) cho các trường cao đẳng, đại học tại thành phố Đà Nẵng. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi qui đa biến được sử dụng trên 205 quan sát từ sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có bốn nhân tố thật sự có ảnh hưởng và tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Tiền Giang. Những nhân tố này bao gồm chất lượng đầu ra, trình độ của giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần C (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ