SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu định hình cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng thu gom tái chế hộp mực máy in cũ cho các cơ quan và trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các quận, huyện lân cận

[29/07/2019 15:08]

Nghiên cứu do các tác giả: Đoàn Hoàng Tuấn, Trương Quỳnh Hoa và Nguyễn Thắng Lợi - Sinh viên Ngành Quản lý công nghiệp, khóa 40, Trường Đại học Cần Thơ; Phạm Hoàng Tân - Khoa Công Nghệ, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Logistics ngược trong xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm để giải quyết các vấn đề về môi trường, đặc biệt là trong xử lý lượng rác thải điện tử ngày một tăng cao như hiện nay. Tan (2001) tìm hiểu về sự phát triển của chuỗi cung ứng từ việc pha trộn một cách tiếp cận mang tính chiến lược và toàn diện đến việc quản lý logistics, nguyên liệu và vận hành. Klose and Drexl (2005) tìm hiểu các mô hình về xác định vị trí liên tục, vị trí trong mạng lưới, chương tình tích hợp với số nguyên, và các ứng dụng của các loại mô hình này. Bên cạnh đó, các mô hình tối ưu hóa và các kết quả giải thuật kinh nghiệm cũng được đa dạng hóa từ các nghiên cứu khác. Barros at al. (1998) xây dựng mô hình toán tối ưu về mạng lưới tái chế rác thải xây dựng cho Hà Lan (Netherlands). Louwers et al. (1999) xây dựng một mô hình toán về việc bố trí và phân bổ thiết bị cho quá trình thu thập, tái chế và tái phân phối mặt hàng thảm. Đặc biệt kết quả thu được từ mô hình được áp dụng cho châu Âu và Mỹ. Daskin et al. (2002) đã giới thiệu một mô hình về vị trí đặt các trung tâm phân phối độc lập với các nhà kho đang hoạt động, đồng thời phát triển một giải thuật kinh nghiệm dựa vào giải thuật Lagrange. Giải thuật này được kiểm tra kết quả từ 80 đến 150 đại lý và đề xuất các giải pháp khác đề giảm thiểu chi phí giao nhận hàng hóa. Trong khi đó, một vài nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc định hình một cấu trúc chung cho khả năng thu lại lợi nhuận của sản phẩm được sản xuất phục hồi. Guide et al. (2001) đã phát triển một cấu trúc chung cho việc phân tích khả năng thu lợi nhuận từ các hoạt động tái sử dụng và đã xây dựng nên phương pháp quản lý các tác động từ sản phẩm được thu hồi. Tuy nhiên, tác giả không đề cập đến quan hệ giữa giá thu lại và chất lượng sản phẩm. Guide et al. (2003) phát triển một mô hình chung về việc xác định giá tối ưu tương ứng với khả năng thu lợi nhuận của sản phẩm được sản xuất phục hồi. Nghiên cứu này được lấy ý tưởng từ ngành công nghiệp điên thọai di động. Mặt khác, có nhiều tác giả định hướng nghiên cứu của họ đến việc phân tích, nghiên cứu sự phát triển và điều tra các vấn đề liên quan đến logistics ngược và vấn đề sản xuất phục hồi sản phẩm. Spengler et al. (1997) đã nghiên cứu sự phát triển các mô hình phức tạp cho việc lập kế hoạch về việc gia công lại các bán thành phẩm trên công đoạn sản xuất và sản xuất lại các thành phẩm đã được hoàn tất các công đoạn nhưng không đáp ứng yêu cầu. Fleischmann et al. (1997) đã điều tra về việc có nhiều dạng quản lý dòng di chuyển nguyên liệu và các bán thành phẩm được gia công lại trên các công đoạn của dây chuyền sản xuất. Vấn đề được nghiên cứu liên quan đến việc lập các kế hoạch phân phối, kiểm soát tồn kho và sản xuất về tính hiệu quả, các mô hình toán và các định hướng nghiên cứu trong tương lai. Fleischmann et al. (2000) điều tra về việc thiết kế các mạng lưới logistics quá trình phục hồi các sản phẩm đã qua sử dụng và so sánh kết quả đạt được với các cấu trúc truyền thống đã được hình thành từ trước đó. Savaskan et al. (2004) nhấn mạnh sự quan trọng của việc lựa chọn cấu trúc kênh thu thập các sản phẩm đã qua sử dụng từ khách hàng đến việc phục hồi sản phẩm. Các mô hình toán được xây dựng để tối ưu hóa lợi ích của chuỗi cung ứng các sản phẩm này. Atasu et al. (2008) đã bổ sung các vấn đề liên quan đến nhu cầu vào việc nghiên cứu khả năng thu lại lợi ích của hệ thống sản xuất phục hồi. Các vấn đề được đề cập bao gồm sự xuất hiện của yêu cầu về các công đoạn xanh, sự cạnh tranh của các nhà máy sản xuất sản phẩm ban đầu và tác động của chu kỳ sống sản phẩm. Tác giả đã tìm thấy những lợi thế cạnh tranh của sản phẩm sản xuất phục hồi trong phân khúc thị trường về giá cả. Lu and Bostel (2007) trình bày một vấn đề liên quan đến xác định vị trí của hệ thống logistics ngược, được gọi là mạng lưới sản xuất phục hồi sản phẩm (remanufacturing network). Tác giả xem xét đồng thời 2 chiều di chuyển của dòng sản phẩm trên quy trình sản xuất và phát triển một giải thuật kinh nghiệm dựa vào giải thuật Lagrangian. Vlachos et al. (2007) giải quyết các vấn đề về chính sách hoạch định năng lực hiệu quả cho việc phục hồi  các sản phẩm trong chuỗi cung ứng ngược, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn về môi trường, chẳng hạn như các nghĩa vụ quy định trong luật thu hồi và các hiệu ứng "hình ảnh xanh" lên nhu cầu khách hàng. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tái chế và tái sử dụng rác thải điện tử trong nước chưa nhiều, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình Tái chế rác thải điện tử lần đầu tiên với tên gọi Vietnam Recycles (tạm dịch: Việt Nam tái chế) được giới thiệu vào tháng 4/2015. Chương trình này được triển khai với công việc chính là thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng cho cộng đồng tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, các mô hình tuyến tính linear programing-LP được đề xuất nhằm tạo ra một mạng lưới phục hồi hộp mực máy in và máy photocopy đã qua sử dụng từ các cơ quan và trường học trên địa bàn Thành phố Cần Thơ và các vùng lân cận. Kết hợp cùng với các phần mềm chuyên dụng, các kết quả tính toán trong nghiên cứu sẽ giúp lựa chọn cũng như phân bố hợp lý các địa điểm cần xây dựng, từ đó giúp tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.

Sự tăng trưởng nhanh về công nghệ và tiêu dùng dẫn đến việc giảm nguồn tài nguyên, tăng lượng rác thải và đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người do chất thải của các thiết bị điện và điện tử vào cuối chu kỳ sản phẩm của chúng. Tuy nhiên, một số loại sản phẩm đã qua sử dụng này có thể được tái sản xuất, tái chế và tái sử dụng. Trong bài báo này, một mạng lưới chuỗi cung ứng ngược được nghiên cứu, trong đó các nhà sản xuất sản xuất các sản phẩm mới và tái sản xuất các sản phẩm đã qua sử dụng. Các quyết định được đưa ra là: số kho và trung tâm thu gom, các địa điểm tiềm năng của kho và trung tâm thu gom, khả năng của mỗi cơ sở và luồng nên được vận chuyển giữa mỗi cặp địa điểm. Hai mô hình tuyến tính nguyên và đa thời đoạn được xây dựng để xác định mức lưu lượng trên mỗi liên kết, kết hợp với phân tích chi phí đầu tư và vận hành. Một nghiên cứu cụ thể về các sản phẩm hộp mực sử dụng trong máy in hoặc máy photocopy cho các cơ quan và trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các quận, huyện lân cận được tiến hành để đề xuất một số hiểu biết về quản lý trong việc sử dụng mô hình vào các tình huống thực tế. 

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7 (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài