SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của vị trí trong chuồng nuôi đến tăng trưởng của gà lương phượng

[31/07/2019 14:41]

Nghiên cứu của tác giả Phạm Tấn Nhã - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Hiện nay dân số ngày càng tăng, việc đáp ứng nhu cầu về lương thực thực phẩm cho con người cũng ngày càng tăng. Vì vậy, phát triển sản xuất nông nghiệp cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng như hiện nay. Trong những năm gần đây ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta phát triển không ngừng, với nhiều mô hình chăn nuôi trên những giống gà khác nhau, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gà Lương Phượng. Gà Lương Phượng có chất lượng thịt thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam và được nuôi rất rộng rãi, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn (Bùi Xuân Mến, 2008).

Tuy nhiên, nuôi gà đang gặp phải một số khó khăn như tình hình dịch bệnh, giá thức ăn cao và giá gà đầu ra không ổn định. Chính điều này đã  làm cho người nông dân phải suy nghĩ là nên lựa chọn giống gà nào ít bệnh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, chất lượng thịt ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, người ta đã chọn nuôi các giống gà thả vườn. Gà thả vườn có các đặc điểm nổi bật: dễ nuôi, sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon, chi phí đầu tư thấp, tận dụng tốt các nguồn thức ăn sẵn có và giá thành đầu ra ổn định.

Trong chăn nuôi hiện nay, bên cạnh việc chọn được giống gà, thức ăn tốt, cho ăn đầy đủ thì mật độ và vị trí của gà trong chuồng cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến sự tăng trưởng của gà. Nhiều người chăn nuôi chỉ quan tâm đến dinh dưỡng mà quên rằng xáo trộn đàn gà, nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng sẽ làm ảnh hưởng đến đàn gà, do đó sự phân bố và mật độ gà trong chuồng sẽ không đều, nhiệt độ và ẩm độ ở các vị trí trong chuồng không đều nhau làm cho sự tiêu thụ thức ăn của gà ở các vị trí khác nhau sẽ khác nhau.

Thí nghiệm được tiến hành để xác định ảnh hưởng của vị trí trong chuồng nuôi lên tăng trưởng của gà giai đoạn 0-6 tuần tuổi. Có 300 con gà Lương Phượng 1 ngày tuổi được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào 3 nghiệm thức (NT), 10 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại trên 10 con gà. Các NT như sau: NT1: đầu chuồng, NT2: giữa chuồng, NT3: cuối chuồng. Thức ăn được sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn hổn hợp với 20,5% CP và 3000 kcal ME/kg. Kết quả cho thấy gà cho tăng khối lượng cao nhất (P<0,05) ở vị trí đầu chuồng (NT1) là 26,3 g/con/ngày so với tăng khối lượng của gà ở giữa và cuối chuồng (NT2 và NT3) lần lượt là 23,8 và 21,8 g/con/ngày. Hệ số chuyển hóa thức ăn của gà thấp nhất (2,15)(P<0,05) ở NT1 và các giá trị cao hơn (2,34 và 2,51) ở NT2 và NT3. Kết luận rằng nuôi gà Lương Phượng giai đoạn 0-6 tuần tuổi với cùng khẩu phần và điều kiện chăm sóc như nhau thì gà ở khu vực đầu chuồng có tăng khối lượng cao hơn và hệ số chuyển hóa thức ăn thấp  hơn so với ở vị trí giữa chuồng và cuối chuồng.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ